Bà Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng JPMorgan Chase, cho biết, USD đang gặp phải sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Bà Kaneva ước tính tỷ lệ dầu trên thế giới được mua và bán bằng các loại tiền tệ khác đã tăng lên khoảng 20% từ đầu năm 2023 tới nay. Dữ liệu của JPMorgan Chase cho thấy, 12 hợp đồng hàng hóa lớn được thanh toán bằng tiền tệ không phải USD đã được công bố vào năm 2023, so với 7 hợp đồng vào năm 2022 và chỉ 2 hợp đồng từ năm 2015-2021. Mùa hè vừa qua, UAE và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận buôn bán bằng đồng tiền của họ, bắt đầu bằng việc vận chuyển dầu của UAE được một nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua và thanh toán bằng đồng rupee của Ấn Độ.
Theo Tân Hoa xã, vào mùa thu, Brazil và Trung Quốc đã hoàn tất giao dịch hàng hóa bằng nội tệ đầu tiên, liên quan đến lô hàng bột giấy của Brazil. Tháng 11, Saudi Arabia và Trung Quốc đã thiết lập đường dây hoán đổi tiền tệ trị giá khoảng 7 tỷ USD, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ tài chính và mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ.
Nếu sự thống trị của USD bị xói mòn, sức mạnh kinh tế - chính trị của Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Mối liên kết chặt chẽ giữa USD và thị trường dầu mỏ toàn cầu đã có từ nhiều thập niên trước, một trong số đó là thỏa thuận mua bán dầu mỏ năm 1945 giữa Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Quốc vương Abdulaziz Ibn Saud của Saudi Arabia. Theo thời gian, hàng tỷ USD dầu mỏ mà các nhà sản xuất dầu kiếm được đã được chuyển thành các khoản đầu tư như trái phiếu kho bạc, giúp thúc đẩy giá trị tài sản của Mỹ.
Sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine vào tháng 2-2022, khi phương Tây cố gắng rời xa các nguồn năng lượng của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, Trung Quốc và Ấn Độ đã bước vào để lấp đầy khoảng trống. Các chính phủ khác cũng có động thái giảm sự phụ thuộc vào thanh toán bằng USD.
Dầu của Nga đã chuyển sang người mua ở châu Á và doanh thu xuất khẩu của Nga từ ngành công nghiệp huyết mạch này đã đạt 18 tỷ USD trong tháng 11. Theo Viện Tài chính quốc tế, dầu của Nga đã được bán bằng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, rouble của Nga, dirham của UAE và rupee của Ấn Độ. Iran, nước chủ yếu bán dầu cho Trung Quốc bằng NDT, cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với các nhà nhập khẩu năng lượng, giá cả là động lực chính. Thanh toán bằng nội tệ thay vì USD giúp giảm chi phí giao dịch và dầu của Nga rẻ hơn so với các lựa chọn thay thế toàn cầu. Ấn Độ nổi lên là nước khách hàng năng lượng mới lớn nhất của Nga (ngoài Trung Quốc) sau khi New Delhi yêu cầu các công ty dầu mỏ lớn nhất của họ mua dầu thô giảm giá của Nga. Một sự thay đổi lớn hơn nhiều sẽ xảy ra nếu Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, bắt đầu bán một lượng dầu đáng kể bằng các loại tiền tệ khác.