Thị xã Vĩnh Châu, có trên 52% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, trước khi xây dựng NTM, đây là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Trong đó, có đến 8/9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 18,71 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 25%; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế, yếu kém…
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thị xã Vĩnh châu đã huy động trên 1.970 tỷ đồng cùng với vốn lồng ghép các chương trình, dự án và đóng góp của người dân.
Đến nay, diện mạo các xã nông thôn của thị xã Vĩnh Châu đã có những bước tiến mạnh mẽ, “lột xác” hoàn toàn. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trên lĩnh vực nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn chuyển dịch mạnh theo hướng bền vững, gắn với thị trường và tiêu thụ hàng nông sản xanh, sạch, an toàn... góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn được tập trung nâng cấp, xây dựng mới. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên… Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,92%; tỷ lê hộ có điện sinh hoạt đạt trên 99%...
Hiện 6/6 xã của thị xã Vĩnh Châu được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã Vĩnh Hiệp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài hành tím, một đặc sản của Vĩnh Châu, gần đây địa phương này được nhiều người nhắc đến là vùng đất của những cánh đồng điện gió, với 18 dự án đã và đang được triển khai.
Dịp này, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM.