Phiên phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ bị cáo Luyện) và đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (đều là em trai của bị cáo Luyện) cùng 12 bị cáo khác.
Tuy nhiên, trước phiên xử diễn ra có 3 bị cáo rút đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, còn có gần 100 bị hại kháng cáo đề nghị xem xét lại tiền bồi thường.
Các bị cáo tại tòa |
Cuối tháng 3-2023, TAND Cấp cao tại TPHCM đã hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ án này, do vắng mặt nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Trước đó, ngày 19-12-2022, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) 12 năm tù; Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Phó tổng giám đốc đào tạo Công ty Alibaba) 17 năm tù và 17 đồng phạm từ 10 - 19 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Anh em Nguyễn Thái Luyện tại tòa |
Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Mai 30 năm tù, bị cáo Nguyễn Thái Lực 27 năm tù cùng 2 tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”; bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị tuyên phạt 3 năm về tội “Rửa tiền” nhưng cho tại ngoại.
Tòa cũng buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới bồi thường cho hơn 4.500 bị hại số tiền hơn 2.400 tỷ đồng; buộc bị cáo Mai nộp lại số tiền hơn 13 tỷ đồng. Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và tài sản khác, tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
Sau đó, bị cáo Luyện cùng vợ là Mai và 2 em trai là Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh đều có đơn kháng cáo. Bị cáo Luyện cho rằng mình không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vợ Luyện là bị cáo Mai cũng kháng cáo kêu oan về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”.