Muôn hình vạn trạng uống rượu bia
Trung tuần tháng 10-2020, anh Nguyễn Viết T., ngụ phường An Tân, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), dẫn con gái đầu nhập học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM). Trong thâm tâm, anh đưa con đến phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) để trọ học cho gần trường và cũng có nhiều tiện ích xung quanh. Chưa kịp tìm chỗ trọ cho con, chưa mua sắm các vật dụng thiết yếu, nhưng các “chiến hữu” cùng nghề lái xe container đường dài đã rủ anh T. “chén thù chén tạc”.
Lấy lý do mừng con gái lớn đậu đại học xịn ở TPHCM, các bạn anh T. ép anh say sưa cả ngày, đến khuya mới về. Mấy ngày trôi qua, con gái anh T. vẫn chưa có chỗ trọ học. Đây chỉ là trường hợp uống rượu bia “bình thường”, vì thực tế việc uống rượu bia hiện nay khá phổ biến ở nước ta với muôn hình vạn trạng.
Và đã có không ít án mạng xảy ra với lý do ép người khác uống rượu, hoặc gây tai nạn giao thông nghiêm trọng do bia rượu. Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, cả nước đã xảy ra 29 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 23 người, trong đó rất nhiều vụ liên quan đến người gây tai nạn có nồng độ cồn cao trong máu.
Mặc dù theo Ủy ban ATGT quốc gia, so với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT trong 8 tháng đầu năm 2020 giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%), nhưng số người có uống rượu bia tham gia giao thông vẫn chưa giảm. Thực tế, thói quen dùng rượu bia ở Việt Nam đã trở thành phổ biến, tuy nhiên cũng dễ dàng bắt gặp trong các cuộc vui, cuộc bù khú, tình trạng nhiều người không muốn hoặc không uống được rượu bia vẫn bị người khác lôi kéo, ép buộc.
Khó giám sát, xử phạt
Theo Nghị định 117, quy định xử phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia… Đây là những mức xử phạt lần đầu tiên được đưa ra, nhưng theo các chuyên gia pháp lý, việc xác định hành vi vi phạm ở đây là rất khó. Luật sư Văn Đình Tùng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, về vấn đề chứng minh hành vi ép buộc người khác uống rượu bia thì cần phải có chứng cứ trực tiếp. Ví dụ như khi người uống rượu bia đã tham gia giao thông bị xử lý, lúc đó rất khó chứng minh ai là người ép buộc họ uống, không thể chỉ dựa vào lời khai của một người để kết luận ai ép uống rượu bia. Chứng cứ trực tiếp ở đây phải là hình ảnh, video clip…
“Theo tôi, việc tìm ra chứng cứ chứng minh hành vi ép buộc uống rượu bia là vô cùng khó, bởi trên bàn nhậu sẽ không có nhiều người thực hiện quay phim để làm bằng chứng, trừ trường hợp cố tình quay phim lại với động cơ khác. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ngay trên bàn nhậu hành vi ép uống rượu bia, cũng rất khó có ai nhận là người khác ép mình uống, bởi phần lớn những người cùng ngồi lai rai với nhau đều có mối quan hệ bạn bè, quen biết thân sơ”, luật sư Văn Đình Tùng phân tích.
Bên cạnh đó, việc triển khai lực lượng, đơn vị giám sát, kiểm tra lại càng khó khăn hơn. Nếu muốn quản lý một cách triệt để thì phải cần một lượng nhân lực lớn để lắp đặt, quản lý các hệ thống camera ở quán nhậu. Chỉ trong tình huống này thì mới đủ chứng cứ để chứng minh các hành vi ép uống rượu bia. Nhưng đối với những cuộc uống rượu bia tại đám cưới, giỗ chạp, tiệc gặp mặt gia đình thì quả là... không tưởng.
Theo luật sư Đinh Công Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đinh Công Hưng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), tính khả thi khi triển khai thực hiện là rất thấp. “Ví dụ nếu như có người kích động, ép buộc tôi uống rượu bia thì tôi chưa biết sẽ phải báo cho ai về hành vi này. Tôi cho rằng khi đưa ra một quy định nào đó, cần đảm bảo cả tính bao quát lẫn yếu tố chi tiết, cụ thể. Thêm nữa, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị hay chủ thể nào đó trong vấn đề xử lý. Chỉ có vậy, luật khi đi vào thực tế mới đảm bảo hiệu quả”, luật sư Hưng nhấn mạnh, nếu như cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện như bao quy định khác, cứ cấm, cứ phạt, song lại không ai phạt cả thì sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật trong đại bộ phận người dân, và như thế luật, nghị định sẽ không hiệu quả, khó đi vào đời sống.
Luật hóa việc sử dụng rượu bia là cần thiết nhằm kéo giảm nguy cơ, giảm tác hại từ các loại đồ uống này lên nhiều mặt của đời sống xã hội. Xét ở khía cạnh đạo đức, việc lạm dụng rượu bia hay ép người khác uống rượu bia là một hành vi cần lên án. Do đó, bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, mỗi công dân trước tiên cần ý thức và trách nhiệm trong sử dụng rượu bia.