Nhiều vướng mắc
Vừa qua, hội nghị triển khai NĐ 45 tại TPHCM đã ghi nhận nhiều phản ánh vướng mắc từ các quận, huyện về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, việc lập biên bản xử lý vi phạm hành vi thải bỏ rác sinh hoạt rất khó xử lý.
Theo quy định phải kịp thời phát hiện, trong khi địa phương không đủ lực lượng để phát hiện kịp thời, lập biên bản. Tiếp đó, các cơ sở kinh doanh gây ồn như quán bar, beer club… sẽ rất khó khăn trong việc đo đạc tiếng ồn để xác định hành vi vi phạm, do cơ sở vi phạm có thể chủ động tắt, giảm âm lượng khi bị kiểm tra.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND quận 12 lại băn khoăn, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn chậm nhất từ ngày 31-12-2024. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi không phân loại rác theo NĐ 45 (có hiệu lực từ 25-8-2022) là chưa phù hợp, rất cần hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.
Đại diện phòng TN-MT huyện Bình Chánh phản ánh, tại điểm b, khoản 2 Điều 11, NĐ 45 quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định. Huyện đề nghị, cần có hướng dẫn cụ thể đối với hành vi được xem là không công khai giấy phép môi trường, để đơn vị triển khai.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, NĐ 45 có nhiều điểm mới, quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như: quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt do vi phạm không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; không phân loại, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; phân cấp, phân quyền về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở TN-MT vẫn gặp vướng mắc các thủ tục pháp lý về môi trường giữa thực tiễn của TPHCM với quy định pháp luật. Các “điểm nghẽn” hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là “cách hiểu khác nhau” dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ các cơ quan, trong quá trình nghiên cứu triển khai NĐ 45, Sở TN-MT đã có báo cáo gửi Tổng Cục Môi trường, Bộ TN-MT xem xét, hướng dẫn.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi NĐ 45 là thách thức không hề nhỏ đối với cơ quan chức năng. Do vậy, để luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cần được chú trọng hơn nữa. Cùng với đó, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm để các hành vi vi phạm không tái diễn, bảo đảm tính răn đe nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nói, trước mắt thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quận, huyện và các đơn vị thông qua tập huấn, hội thảo. Khi đã tuyên truyền sâu rộng mà người dân vẫn không tuân thủ thì mới tính đến chuyện xử phạt.
Trước nhiều thắc mắc của TPHCM, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, cho biết, NĐ 45 có nhiều mức phạt nặng, mang tính răn đe và sát thực tế. Các địa phương cần tăng cường phổ biến, tập huấn đến đông đảo người dân, tổ chức hơn nữa. Theo đó, hướng dẫn người dân, tổ chức hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc do thiếu điều kiện để thực hiện quy định bảo vệ môi trường.
Về phía Bộ TN-MT, thời gian qua, bộ đã có nhiều hoạt động nhằm phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, trong đó có NĐ 45. Bên cạnh tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành, bộ còn phổ biến các quy định pháp luật thông qua cổng thông tin điện tử; trả lời, giải đáp vướng mắc pháp luật bằng văn bản. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động phổ biến, tập huấn cho các địa phương, tổ chức liên quan để triển khai NĐ 45 hiệu quả hơn.