Việc kiểm tra lần này nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Trước đó, QLTT TPHCM ra quân kiểm tra website Shopnhatchaly.com có địa chỉ tại hẻm 220 đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1) phát hiện 117 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu ghi Nhật Bản sản xuất. Lực lượng QLTT TPHCM cũng phát hiện website ruouthuonghieu.com tại phường 8, quận 3, kinh doanh hàng hóa có điều kiện (các loại rượu ngoại) nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Ngoài số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu, mỗi website còn phải nộp 30 triệu đồng tiền phạt cho hành vi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thêm nữa, QLTT TP còn phát hiện 17 website khác trên địa bàn TPHCM kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng, bánh kẹo, đồng hồ, rượu, đồ chơi kích dục… trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Theo Tổng cục QLTT, việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong các hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.
Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng phát hiện, tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại điện tử.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, chiến dịch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng kinh doanh sẽ thực hiện đến hết năm 2020. Các trường hợp sai phạm sẽ được xem xét, chuyển giao hồ sơ cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.