Để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM trong 2 năm 2015-2016, HĐND TP đã thành lập 2 đoàn khảo sát chuyên đề tại 13 quận, huyện, 4 sở, ngành; khảo sát 30 đơn vị sản xuất kinh doanh, 2 cơ sở giáo dục, 3 tỉnh cung cấp thực phẩm cho TPHCM. Qua đó cho thấy trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng đã có chuyển biến hơn, song vẫn còn nhiều việc phải làm.
Những chuyển biến bước đầu
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 2 năm 2015-2016, công tác bảo đảm ATTP luôn được TP quan tâm, thực hiện. Lãnh đạo các cấp, sở, ngành cũng tăng cường giám sát chặt chẽ, giúp công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn TP tạo được những bước đột phá và ngày càng phát huy được tính hiệu quả. Hàng năm, việc thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm được tiến hành ở cả 3 cấp (TP; quận, huyện; phường, xã, thị trấn). Trong 2 năm 2015-2016, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 98.235 cơ sở, phát hiện 14.906 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 15,2%); xử phạt 11.051 cơ cở (11,2%) với tổng số tiền phạt lên đến hơn 56 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy trên 556 tấn hàng hóa thực phẩm không đảm bảo ATTP; kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan đến ATTP như sử dụng phẩm màu công nghiệp Rodamine B trong thực phẩm, măng, dưa chua, gà có chất vàng O…
Công tác tuyên truyền, giáo dục, giám sát lấy mẫu, quản lý thức ăn đường phố cũng được tăng cường. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành những quy định về ATTP của các cơ sở, nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn. Kịp thời ngăn chặn, thu giữ và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không không rõ nguồn gốc đang lưu thông trên thị trường.
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, qua 2 năm triển khai, TP đã thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về ATTP, công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP có nhiều tiến bộ, thực hiện được nhiều mô hình mới, cách làm hay, như: Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn; truy xuất nguồn gốc heo, rau; liên kết với các tỉnh, thành theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng bản đồ số hóa vùng sản xuất an toàn; xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chí ATTP; công khai nguồn gốc sản xuất đủ điều kiện để người dân có thể biết…
Đoàn giám sát HĐNDTP kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc thịt heo tại chợ Bến Thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cần mạnh tay và quyết liệt hơn
Mặc dù việc đảm bảo ATTP phải bắt đầu từ khâu sản xuất và được kiểm soát trong suốt cả quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và lưu thông phân phối, nhưng tại các chợ, các điểm bán lẻ, công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau củ quả vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý vi phạm ở cấp phường, xã chưa mạnh, chủ yếu mới dừng ở việc nhắc nhở. Cán bộ chuyên trách ATTP còn thiếu ở tất cả các tuyến, trong khi số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động…
Xử phạt người đứng đầu địa phương nếu xảy ra vi phạm ATTP
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, cần làm đồng bộ các khâu, các bộ phận, công bố trên các cơ quan truyền thông khi phát hiện cơ sở sai phạm về ATTP. Đối với chính quyền địa phương, nơi nào phát hiện cơ sở giết mổ lậu thì người đứng đầu phường, xã phải chịu trách nhiệm, có tiêu cực sẽ xử lý nghiêm. Người đứng đầu doanh nghiệp mà để xảy ra ngộ độc thực phẩm gây chết người thì phải điều tra, đủ cơ sở, chứng cứ thì sẽ tiến hành khởi tố.
Theo đại biểu HĐND TP Nguyễn Thị Tố Trâm, hiện nay còn thiếu những quy định cụ thể đối với trách nhiệm địa phương trong việc khắc phục và xử lý hậu quả về ngộ độc thực phẩm, đảm bảo ATTP trên địa bàn. Bà Trâm cũng trăn trở, tại TPHCM mọc lên nhiều cửa hàng mang tên thực phẩm sạch, thực phẩm thiên nhiên, được bán với giá cao, nhưng thực tế thì nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các chợ gia cầm, thủy cầm bán lộ thiên vẫn còn phổ biến, địa phương vẫn chưa quan tâm và siết chặt vấn đề này… Trong khi đó, những hành vi gian lận thương mại, vi phạm ATTP như sử dụng chất cấm, chất bảo quản, chất tạo màu... không đúng mục đích ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Trước thực trạng này, ông Phạm Đức Hải yêu cầu các sở, ngành phải có phương thức tuyên truyền đặc biệt, phù hợp riêng với từng đối tượng là người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Thực hiện truy xuất nguồn gốc cần tập trung vào 4 đối tượng: 3 chợ đầu mối, 240 chợ truyền thống, 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và những cửa hàng kinh doanh thức ăn. Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; tăng cường phân tích, xét nghiệm về ATTP, thiết lập cơ chế để phục vụ nhanh, tốt công tác xét nghiệm; tăng cường kiểm tra xử phạt... “Hiện nay mức phạt chưa đủ sức răn đe; trong 2 năm chỉ xử lý 11.000 đơn vị, phạt 56 tỷ đồng, suy ra chỉ có 5 triệu đồng/đơn vị. Số lượng còn ít quá”, ông Hải nhấn mạnh.