Chiều 11-1, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, đã đạt được khá nhiều kết quả từ công tác tuyên truyền, xử lý các thông tin phản ánh, xóa các điểm đen ô nhiễm về rác thải đến đầu tư thùng rác công cộng và xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở một bộ phận người dân chưa cao, việc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.
Nhằm xử lý và giải quyết tình trạng xả rác, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường - xã - thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường và lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường và vận động 100% hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định.
Duy trì tỷ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không để tái phát sinh và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, tăng tỷ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng. Chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn để đảm bảo tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới 2030 đạt 100%.
Để đạt được mục tiêu “vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch”, UBND TP giao sở ngành, UBND quận, huyện đẩy mạnh vận động và thiết lập hệ thống tái chế rác thải để phục vụ người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới: phân loại rác tại nguồn thành 2 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại) để phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của TP.
Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo của quận ủy, huyện ủy trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa,... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Tổ chức tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân, hộ gia đình giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai nghiêm túc và hiệu quả các công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với công tác vệ sinh môi trường, các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch.
Triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân thực hiện việc xử lý vi phạm vệ sinh môi trường bằng hình thức gián tiếp từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được; nghiên cứu đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng.
Đổi mới phương pháp đối thoại, duy trì, mở rộng đối tượng (hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp) tổ chức đối thoại về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường và lắng nghe góp ý, hiến kế của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp ký bản cam kết cùng hành động bảo vệ môi trường.
Hoàn chỉnh, nâng cao việc đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức thu gom, vận chuyển và đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển theo quy định của pháp luật. Xây dựng các trạm trung chuyển ép rác kín, tiên tiến hiện đại (tiến đến ngầm hóa các trạm trung chuyển trên địa bàn TP. Duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; quy định trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.
Xây dựng kế hoạch và triển khai Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Điều chỉnh các quy định liên quan đến phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại) và hướng dẫn UBND 24 quận, huyện triển khai phương thức này để phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của Thành phố.
UBND quận huyện khẩn trương ban hành giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương và tổ chức thực hiện thu giá dịch vụ. Ban hành các chính sách để hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ thực hiện nội dung này.
UBND quận, huyện định kỳ 1 năm tổ chức 2 đợt ra quân thực hiện các phong trào về rác thải. Đề xuất bổ sung dự án điện rác vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư xây dựng trạm điện để phục vụ cho việc kết nối, mua bán điện từ các dự án xử lý chất thải rắn trong các khu liên hợp xử lý chất thải của TP. Hỗ trợ các đơn vị xử lý rác thải các vấn đề pháp lý để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện.