* Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Pháp chế, HĐND TPHCM: Đã đến lúc tăng cường công tác xử phạt
TPHCM đã có Chỉ thị 19 về Vận động người dân không xả rác ra môi trường, kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động, như: ngày đổi rác thải nguy hại lấy sản phẩm gia dụng, ngày hội sống xanh… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không xả rác ra môi trường. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, xả rác ra đường phố, công viên, ngõ hẻm, kênh rạch gây nhiều hệ quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như, các trận mưa sẽ làm cho rác thải trôi xuống cống thoát nước, bịt nắp ống thoát nước gây ngập, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, môi trường; làm các khu du lịch, tham quan giải trí nhếch nhác, làm xấu mỹ quan đô thị.
Do vậy, ngành chức năng phải chế tài để người dân có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể, nên xác định một số điểm đen - nơi người dân hay tập kết rác sai quy định, thường xả rác bừa bãi để lắp camera theo dõi và xử lý.
Đã đến lúc cơ quan chức năng phải tăng cường công tác xử phạt hơn nữa đối với một bộ phận người dân tuyên truyền mãi vẫn chưa có sự thay đổi. Phải có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với trường hợp cố ý, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ngay từ đầu.
* PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Liên tục tuần tra, phát hiện sớm và phạt nghiêm người vi phạm
Với thực tế hiện nay, phải thực hiện công tác chế tài các hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường công cộng. Tuy nhiên, để có thể xóa được vấn nạn này, thành phố cần triển khai các biện pháp cứng rắn, đủ sức răn đe hơn. Chẳng hạn đầu tư hệ thống camera đồng bộ hơn để có thể truy xuất được và xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt. Có thể học hỏi kinh nghiệm của các địa phương như Hội An (Quảng Nam). Chính quyền ở đây đang triển khai một giải pháp rất hiệu quả, là cứ phát hiện có bịch rác bỏ lung tung ở đường thì 3 nhà sát nhau, gần đó sẽ bị phạt.
Biện pháp này đã tác động sâu đến nhận thức người dân, ai cũng sợ bị phạt, nên một là họ sẽ không bỏ rác lung tung, hai là cứ thấy rác ở đường là chủ động nhặt bỏ đúng nơi quy định. Hay ở Singapore, chính phủ cũng triển khai một biện pháp hữu hiệu là cảnh sát môi trường mặc giống như dân thường đi thực tế ở các khu công cộng. Hễ phát hiện người nào xả rác, gạt tàn thuốc không đúng nơi quy định, họ sẽ xử phạt ngay với mức phạt mỗi lần vi phạm là 50 SGD. Họ làm liên tục, làm nghiêm 1-4 tuần và người dân sau nhiều lần chứng kiến người khác bị xử phạt sẽ có tâm lý e sợ; từ đó không dám xả rác bừa bãi.
* Ông HUỲNH MINH NHỰT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM: Kiểm tra chặt chẽ các hợp đồng thu gom rác của dân
Để xử lý nạn xả rác bừa bãi ra môi trường, cả hệ thống chính trị của thành phố phải xắn tay vào làm. Đối với chính quyền, nên kiểm tra chặt chẽ các hợp đồng thu gom rác của từng hộ dân, từng cơ quan. Nếu quản lý được khâu này sẽ bớt đi được rất nhiều phần rác bỏ ra đường. Phải có những nơi để tiếp nhận các loại rác cồng kềnh như bàn ghế, giường, tủ. Mặc dù công ty đô thị hiện cũng có điểm để thu gom loại rác này, thế nhưng người dân không mặn mà, có ý kiến cho rằng giá cao. Do đó, nhiều người đã thuê các đơn vị dân lập thu gom… đáng nói, nhiều đơn vị dân lập nhận rác của dân rồi tìm cách xả bỏ không đúng nơi quy định vì họ không đủ năng lực xử lý loại rác đặc biệt này và cũng thiếu ý thức bảo vệ môi trường.
Tăng cường xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, thế nhưng đội ngũ chuyên môn lĩnh vực này lại thiếu. Các phường xã đều phản ánh họ không đủ sức để làm, không có lực lượng để làm nên hiệu quả xử phạt không khả thi. Như vậy, ngoài lực lượng ở xã, phường nên có một lực lượng khác chuyên nghiệp hơn như cảnh sát môi trường hay tương tự. Ví dụ như hành vi không đội nón bảo hiểm thì có lực lượng cảnh sát giao thông xử lý. Khi phạt nặng người dân sẽ sợ.
Cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân vứt rác đúng nơi quy định, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chắc chắn mọi người hiểu vứt rác bừa bãi là không tốt, do vậy vấn đề còn lại là chế tài nghiêm. Có thể tăng thêm lực lượng cho việc này hoặc giao cho lực lượng công an phường, xã.
* TS ĐINH THỊ THANH NGA, Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn: Không thể “đổ thừa” luật chưa phù hợp
Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc đưa các chế tài vào xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Các quy định xử phạt theo nghị định này phù hợp với thực tế hơn so với những nghị định trước đây. Đồng thời, việc phân cấp, phân quyền cho người thi hành luật cũng được mở rộng hơn.
Nhìn chung, cơ sở pháp lý, luật đã phù hợp và giờ là lúc các cơ quan chức năng không thể “đổ thừa” cho việc thiếu cơ sở pháp lý, thiếu luật nữa mà phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm hơn các hành vi vi phạm. Phạt thật nhiều, thật nghiêm, đưa thông tin xử phạt một vài vụ lên phương tiện truyền thông…
Khi người dân thấy nhiều hành vi xả rác bị phạt nghiêm sẽ e sợ. Khi đó người dân mới thay đổi nhận thức. Các cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra xử phạt trực tiếp, mà nên trích xuất camera khu vực để truy xuất các hành vi vi phạm nếu có và tiến hành phạt nguội. “Thà nhóm lên một đốm lửa trong đêm, còn hơn chỉ ngồi im nhìn bóng tối”.