Hiện tại, lực lượng quản lý thị trường (QLTT), hải quan TP, cùng các cơ quan chuyên trách khác đã và đang kiểm tra, rà soát liên tục các điểm kinh doanh hàng hóa gian lận, giả mạo…
Chủ sàn thương mại không biết?
Chị Khuê Lan, ngụ đường Ba Tháng Hai (quận 10), tâm sự trong lo lắng, chị vừa phát hiện cậu con trai 12 tuổi lên mạng tìm mua dùi cui điện, bình xịt hơi cay, súng bắn điện. Trò chuyện với con, chị Khuê Lan được biết cậu bé bị bạn bắt nạt nên mua đồ để… phòng thân.
Lần theo các trang mạng, dễ thấy vũ khí, hàng cấm đủ loại được rao bán tràn lan. Chỉ cần khách gọi điện, chuyển khoản ứng trước tiền, hàng sẽ được giao đến đúng địa chỉ. “Kho hàng ở đâu mình không quan tâm, miễn mua được hàng trót lọt”, một nhóm học sinh nói nhỏ với nhau về cách đặt mua hàng cấm.
Như nhận định của một cán bộ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thì hàng gian lận thương mại, hàng cấm, vũ khí “nóng” các loại bày bán tràn ngập trên mạng với đủ chiêu trò tinh vi, trong khi chủ sàn thương mại điện tử không làm hết trách nhiệm. Khi cơ quan chức năng hỏi tới, chủ các sàn này chối bay, nói không biết.
Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu Trí tuệ tại TPHCM, nhìn nhận vấn nạn hàng giả, tinh vi từ cây kim sợi chỉ, đến smartphone, các mặt hàng cao cấp, thuốc có tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam khi nhập hàng nước ngoài, gắn mác Việt… gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Điều này chứng tỏ công tác quản lý, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiều vấn đề.
Bức xúc với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào, nói: “Doanh nghiệp cực kỳ mệt mỏi với hàng giả, hàng nhái, nhưng không thể né tránh sự thật mà phải chủ động “sống chung với lũ”. Chúng tôi đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, tem chống giả, đầu tư hệ thống chính sách bán hàng tại các tỉnh và nếu phát hiện hàng nghi vấn giả mạo sản phẩm công ty, chúng tôi sẵn sàng thu hồi về, chấn chỉnh khâu phân phối, tiếp thị, có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng”.
Một doanh nghiệp khác cho biết đang phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác chống hàng giả, hàng nhái. Vì nếu doanh nghiệp không chủ động bảo vệ thương hiệu mà chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng là không hiệu quả, rơi vào cảnh “được vạ, má sưng”. Thế nhưng, như doanh nghiệp thừa nhận, đang có tình trạng hàng thật “sợ” hàng giả.
Nếu lực lượng chức năng phát hiện hàng giả nhiều quá, báo chí vào cuộc thì người tiêu dùng tẩy chay, ảnh hưởng đến mãi lực. Do vậy, chính doanh nghiệp thừa nhận, họ từng phối hợp với cơ quan chuyên trách bắt hàng loạt vụ sản xuất hàng giả quy mô lớn, nhưng thông tin xử lý sau đó giấu hết.
Tuyên truyền và xử phạt
Ông Ngô Bách Phong, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng các quy định xử phạt, chế tài… đều đã có, nhưng xử lý được đến đâu lại là chuyện khác. Vấn đề ở đây chính là ý thức của mỗi người tiêu dùng. Cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục với đủ mọi thành phần, đối tượng, gồm tiểu thương buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại, người tiêu dùng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Trên thực tế, nhiều mặt hàng nội địa chất lượng tốt, giá cả phù hợp có rất nhiều nhưng người mua chưa tiếp cận. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chủ động, hướng dẫn người mua phân biệt hàng thật, hàng giả trên thị trường. Điều này vừa bảo vệ thương hiệu vừa hỗ trợ người tiêu dùng có thể mua được hàng chính hãng, chất lượng tốt.
Có một thực tế hiện nay, hàng giả rao bán trên các trang mạng trực tuyến song song với bán trực tiếp. Thậm chí, chủ hàng không cần kho nhưng vẫn dễ dàng cung cấp hàng cho khách thông qua những bạn hàng có sẵn kho lớn. Do vậy, việc phân biệt hàng thật, hàng giả càng khó khăn hơn. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, khóa hàng ngàn tài khoản bán hàng giả, hàng cấm. Nhưng cứ khóa tài khoản này lại “mọc” ra tài khoản khác nên cơ quan chức năng đang tập trung xử lý các sàn thương mại điện tử lớn, sau đó tới các sàn nhỏ.
Làm sao để có thể dẹp được hàng giả? Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, kiến nghị cần tăng thêm quyền hạn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế…
“Phải cho quyền hạn xử lý thật mạnh thì mới đủ liều thuốc tiêu diệt hàng giả. Bởi thực tế, có những đơn vị sản xuất hàng giả có nhà máy, khuôn mẫu, công nhân sản xuất… nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, xong rồi họ lại ngang nhiên làm hàng giả. Vì lợi nhuận thu về lớn hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra đóng phạt nên họ không sợ, dẫn đến tái phạm”, ông Nguyễn Ngọc Tý nêu vấn đề.
Điều quan trọng, theo các doanh nghiệp cũng như cơ quan chuyên trách, chính người tiêu dùng phải tẩy chay hàng giả. Nhưng để làm được việc này không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian, thực hiện tuyên truyền liên tục, thường xuyên. Đi đôi với tuyên truyền chính là kiểm tra, giám sát, xử phạt thật nặng để răn đe các đối tượng vi phạm, thì mới có thể đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.