Chiều 8-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự án pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng sửa đổi.
Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 9 thông qua ngày 29-8-1994 và đã qua 5 lần bổ sung, sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012.
Trong những năm qua, việc thực hiện pháp lệnh tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, thể hiện sâu sắc đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC và số NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người.
Tổng kinh phí thực hiện pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...).
Giai đoạn 2012-2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412 hộ gia đình NCC làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 căn nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng. Những kết quả trên đã góp phần tích cực động viên NCC, thân nhân NCC ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện pháp lệnh, bên cạnh kết quả đạt được, còn có những khó khăn, vướng mắc như về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, công nhận NCC với cách mạng; về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng; về thủ tục xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC đang tồn đọng; việc trục lợi chính sách đối với NCC; những vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành chế độ chính sách đối với NCC…
Vì thế, pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về NCC; bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, công bằng và hợp lý cho NCC; từng bước tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện pháp lệnh.
Góp ý vào dự án pháp lệnh, ông Ngô Quân Đoàn, Ban tổ chức chính sách, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, cần có quy định về giải quyết tồn đọng chính sách NCC. Đây là vấn đề nhức nhối đã kéo dài nhiều năm, đã đề cập nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, vừa qua có nhiều tiêu cực trong vấn đề giải quyết chính sách với NCC. Có hiện tượng "chạy" thành NCC để hưởng chính sách.
Do đó, ông Ngô Quân Đoàn kiến nghị không giao cho Chính phủ, bộ, ngành mà cần có một cơ quan riêng để thực hiện giải quyết tồn đọng chính sách NCC, có thời hạn để kết thúc, không kéo dài mãi.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chánh văn phòng Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đề nghị có chính sách đối với những cựu chiến binh đi tìm hài cốt liệt sĩ.
“Nhiều người lặn lội, tâm huyết đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng họ mang tiền gia đình đi làm, Nhà nước nên có chính sách đối với người có thành tích tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ”, ông Thuận đề nghị.
Các ý kiến cũng đề nghị quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ cho NCC, thân nhân của NCC; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách ưu đãi NCC; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện pháp lệnh ưu đãi NCC; huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động đầu tư và chăm sóc NCC với cách mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng nhiều ý kiến đều cho rằng, pháp lệnh cần quy định rõ những chế tài xử nghiêm những gian dối, trục lợi trong thực hiện chính sách NCC, điều đó làm tổn thương NCC, làm giảm sút niềm tin trong xã hội.