Tối 17-5, ông Nguyễn Thành Nam đã điều khiển xe ô tô sau khi sử dụng rượu bia và đi sai làn đường. Khi xảy va chạm giao thông, ông Nguyễn Thành Nam đã ứng xử thiếu văn hóa, đe dọa người khác tại nơi công cộng; vi phạm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ Công an nhân dân.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất của những người có chức quyền vi phạm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật.
Tháng 8-2019, cựu đại úy công an Lê Thị Hiền đã gây ra vụ náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất và lăng mạ nhân viên hàng không sau khi yêu cầu gửi thêm vali 8kg miễn cước nhưng nhân viên làm thủ tục từ chối. Cách đây đã lâu, một nữ doanh nhân là tổng giám đốc một tập đoàn bảo hiểm cũng gây ra một vụ lộn xộn trên máy bay. Bà này có gì đó không hài lòng, chửi bới tiếp viên bằng ngôn ngữ rất thô tục. Câu nói “Mày biết tao là ai không?” cũng được ghi vào biên bản. Và còn hàng loạt vụ việc khác nữa...
Câu “Mày biết tao là ai không?” đầy phách lối sau này cứ như là một câu thành ngữ, lặp đi lặp lại, trong một bộ phận của người có địa vị, chức quyền trong xã hội. Mỗi khi họ đi lại ở đâu đó, gặp điều gì cảm thấy không hài lòng thì lên giọng thách thức, coi người khác không ra gì, tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả. Họ thường đem vị thế xã hội hoặc những mối quan hệ quen biết của mình ra để nhằm gây áp lực cho người khác.
Câu hỏi đặt ra là vì sao những thái độ coi thường người khác vẫn thỉnh thoảng xuất hiện? Trong thực tế, chắc rằng việc xử lý vi phạm từng có sự nể nang, nương nhẹ. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, luật pháp phải thực sự công bằng, thống nhất cách áp dụng với bất kỳ ai. Có như vậy, tâm lý ỷ thế, cậy quyền mới không còn đất để dung dưỡng.