Việc chống hành vi gian lận này sẽ được thực hiện kiên quyết hơn để góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.
Gần 15.000 tỷ đồng nợ BHXH
Pháp luật quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc. Chủ doanh nghiệp (DN) có hành vi gian lận BHXH bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội 2 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tội trốn đóng BHXH từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Thực tế trong những năm qua, việc chủ DN có hành vi gian lận BHXH đã diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các DN trốn đóng, nợ BHXH với số tiền ước tính gần 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn gần 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ DN bỏ trốn, không thể thu hồi. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 193.000 người lao động. Tình trạng DN trốn đóng, nợ BHXH (trong đó không ít đơn vị hàng tháng vẫn đều đặn trừ lương của người lao động) tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ và đảm bảo an sinh xã hội; là biểu hiện sự thiếu kỷ cương trong một xã hội đang thực hiện Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
Khi được bảo hiểm y tế, người lao động bớt được nỗi lo chi phí khám, điều trị bệnh. Ảnh: THU HƯỜNG
Thời gian qua, tổ chức công đoàn ở một số địa phương đã thực hiện việc khởi kiện một số DN trốn hoặc nợ tiền BHXH. Việc làm này về cơ bản đã có tác dụng khá tích cực, ở nhiều góc độ. Bởi theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi nhận được thông báo khởi kiện, một số DN đã khắc phục số tiền nợ. Tổng số tiền thu hồi được từ năm 2016 đến nay là hơn 406 tỷ đồng. Con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng số nợ, nhưng chính việc khởi kiện đã ít nhiều tác động đến sự tự giác chấp hành pháp luật của các DN, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động trong việc tự bảo vệ quyền chính đáng, hợp pháp của mình, cũng như phối hợp với tổ chức công đoàn trong việc đấu tranh với các hành vi sai trái, gian lận của chủ DN.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động
Với quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, sức răn đe đối với hành vi gian lận BHXH sẽ được tăng lên. Điều đó ít nhiều thúc đẩy chủ DN phải tuân thủ các quy định về nộp BHXH cho người lao động tích cực hơn.
Tuy đã có luật, nhưng việc kiểm tra, giám sát, khởi kiện… đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của tổ chức công đoàn các cấp, của các cán bộ công đoàn. Người làm công tác công đoàn phải thực sự sâu sát để nắm các hành vi trái pháp luật của chủ DN đối với người lao động, chứ không chỉ đợi người lao động phản ánh, khiếu nại, khiếu kiện. Không chỉ vậy, người hoạt động công đoàn phải thực sự am hiểu pháp luật, nắm bắt đầy đủ, chính xác các quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là trong vấn đề bảo hiểm. Dù quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ nhưng nếu những người có trách nhiệm bảo vệ người lao động không làm hết chức trách của mình thì cũng khó xử lý được những người có hành vi sai trái.
Không chỉ vậy, bản thân người lao động cũng phải hiểu rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Trong những trường hợp cần thiết, người lao động phải phối hợp với tổ chức công đoàn để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Trong khuôn khổ pháp luật, các cơ quan tư pháp cần thực sự đứng về phía người lao động và tổ chức công đoàn trong các trường hợp có khiếu kiện, thay vì cho rằng sự việc phức tạp, tìm cách trì hoãn hoặc không thụ lý vụ kiện.