Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, trao đổi với báo chí về một số ý kiến cho rằng việc phá dỡ công trình Việt phủ Thành Chương ở Sóc Sơn vi phạm về đất đai sẽ rất lãng phí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nhận định, dưới góc độ là địa chỉ du lịch thì Việt phủ Thành Chương đã thu hút du khách trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đến tham quan. Việt phủ Thành Chương cũng có sản phẩm mang tính truyền thống dân tộc và có thể bảo tồn được.
Tuy nhiên, ông Tô Văn Động cũng thẳng thắn cho rằng, Việt phủ Thành Chương có giá trị ra sao, ở cấp độ nào thì cần phải có hội đồng đánh giá mới chính xác, nếu nhìn cảm tính thì không nói được gì, vì vấn đề văn hóa rất khó đánh giá.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, Việt phủ Thành Chương là một trong những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Công trình này không nằm trên đất rừng của Sóc Sơn mà thuộc đất nông nghiệp.
Bí thư huyện Sóc Sơn cũng thẳng thắn cho biết, bản thân từng trả lời trên báo chí là không nên phá dỡ công trình Việt phủ Thành Chương vì đây đã trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch thu hút rất nhiều du khách nếu phá thì rất lãng phí.
“Sau khi tôi nói như vậy đã nhận được rất nhiều gạch đá đủ để xây nhà 20 tầng” - ông Phương chia sẻ. Ông Phạm Xuân Phương cũng cho biết, huyện Sóc Sơn đang đợi kết luận thanh tra toàn diện, để các cấp chính quyền có sự nhìn nhận, xử lý phù hợp trước các sai phạm.
Bí thư huyện Sóc Sơn cũng ủng hộ một số ý kiến đề xuất TP Hà Nội nên mua lại Việt phủ Thành Chương để biến đây thành địa chỉ văn hóa vì theo ông Phương đây là công trình có giá trị văn hóa. Hơn nữa, cũng nhờ có Việt phủ Thành Chương mà du khách trong và ngoài nước biết đến huyện Sóc Sơn nhiều hơn.
"Nếu hai bên ngồi lại được với nhau bàn bạc đi theo phương án mua lại cũng là tốt. Vì quay trở lại câu chuyện mà tôi từng nói ở đó có nhiều hiện vật quý giá. Những cái đó là lý do tôi cảm thấy tiếc, lãng phí nếu bỏ. Đương nhiên nếu vi phạm là phải thực thi pháp luật nhưng những gì là giá trị văn hóa thì nói thật khi phá nó đi thì không thể làm lại được, không thể lấy lại được nên mình cần tìm một cơ chế nào đó để có thể phối hợp xem xét cho hợp lý..." - ông Phương chia sẻ.
Tiếp tục đề cập tới các công trình vi phạm đất đai và trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn, Bí thư huyện Sóc Sơn cho biết, đối với 18 công trình vi tại xã Minh Phú, chính quyền huyện Sóc Sơn và xã Minh Phú đã chuẩn bị kế hoạch cưỡng chế từ lâu và dự kiến trong tháng 11-2018 hoàn thành việc cưỡng chế.
Tuy nhiên, do UBND TP Hà Nội có chỉ đạo thanh tra toàn diện việc sử dụng đất rừng tại xã Minh Phú và Minh Trí ở Sóc Sơn nên việc cưỡng chế phải dừng lại để chờ kết luận thanh tra. Hiện nay, trong số 18 hộ có công trình vi phạm ở xã Minh Phú đã có một số hộ tự ý tháo dỡ.
Các công trình còn lại, huyện Sóc Sơn đang chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra TP Hà Nội công bố trong tháng 1-2019 để thực hiện kế hoạch xử lý. Đối với 27 trường hợp vi phạm tại xã Minh Trí, bước đầu qua xác minh làm rõ có 22 trường hợp nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và còn lại 5 trường hợp nằm ngoài quy hoạch. Huyện Sóc Sơn cũng đang chờ kết luận thanh tra của thành phố, sau đó chính quyền địa phương sẽ đưa ra phương án, kế hoạch xử lý phù hợp.
Đáng chú ý, đối với công trình vi phạm của gia đình ca sĩ Mỹ Linh ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, ông Phạm Xuân Phương cho biết, công trình này được cấp sổ đỏ, trong đó cho xây dựng 400 m2 để làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 là đất rừng. Tuy nhiên hiện nay công trình của gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng với tổng diện tích 538,6 m2, số diện tích xây dựng vượt quá là hơn 138 m2.
"Hiện cơ quan thanh tra đang làm và sẽ kết luận cả việc cấp sổ đỏ cũng như các vấn đề liên quan. Sau khi có kết luận của thanh tra, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc, sai đến đâu mình xử đến đấy..." - ông Phương cho biết.