Mấy ngày gần đây, đường dây nóng Báo SGGP nhận được một số cuộc gọi từ bạn đọc phản ánh về hoạt động săn bắt chó thả rông nơi công cộng và nêu thắc mắc: Đây là hoạt động của Chi cục Thú y TPHCM hay của kẻ xấu giả danh? Phóng viên Báo SGGP đã gặp ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TPHCM), để có thông tin về việc này.
Ông Phạm Minh Trí cho biết: Kể từ ngày 15-9-2017, Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành. Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 90, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trường hợp chủ nuôi chó chưa chấp hành, vẫn thả rông chó nơi công cộng. Việc săn bắt chó thả rông với mục đích phòng chống dịch bệnh chó dại và xử lý việc thả rông chó ra nơi công cộng phóng uế bừa bãi là việc làm thường xuyên từ trước đến nay của Tổ săn bắt chó thả rông (trực thuộc Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật).
Từ tháng 3-2016, trạm thực hiện việc săn bắt chó thả rông theo kế hoạch từ các phường, xã gửi lên, để có sự phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ an toàn cho anh em trong tổ và thực hiện công tác được hiệu quả hơn. Bởi lẽ, hơn ai hết, chính quyền địa phương biết chính xác con đường nào có chó thả rông cũng như giờ giấc hoạt động. Mặt khác, khi tổ thực hiện công tác thì có anh em bảo vệ dân phố, công an, dân phòng theo hỗ trợ về mặt pháp lý.
Khi đi săn bắt chó thả rông, tổ công tác sử dụng xe đặc chủng (biển kiểm soát màu xanh số 53A-00003), có chuồng nhốt chó, hai bên thành xe có bảng tuyên truyền, xe có còi ưu tiên do Công an TPHCM cấp. Anh em đi làm nhiệm vụ mặc đồng phục màu xanh, trên lưng áo có tên Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TPHCM (ảnh).
Tất cả chó bị bắt đều lưu giữ tại trạm, 252 Lý Chính Thắng, quận 3. Nếu quá thời hạn 72 giờ mà không có chủ chó đến nhận thì chó sẽ bị tiêu hủy. Thực tế từ năm 2015 đến nay, chỉ có 8 trường hợp chó bị tiêu hủy, phần đông chó vô chủ được đưa về các trường, trung tâm phục vụ việc thí nghiệm.
Các chủ chó khi đến nhận, cần mang theo chứng minh nhân dân để làm thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (kể từ ngày 15-9-2017 là từ 600.000 - 800.000 đồng) và các giấy tờ chứng minh chó đã được tiêm phòng bệnh dại (nếu chưa tiêm phòng sẽ bị phạt mức tương đương).