Điều 6 Thông tư 13/2016 của liên Bộ Y tế, GD-ĐT đã quy định trường học phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trong đó, đối với những trường học có bếp ăn nội trú, bán trú, yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm phải đảm bảo điều kiện “Chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm. Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn, phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định”. Vậy nhưng, vì lợi nhuận, vì lòng tham, đã có không ít trường hợp sử dụng các thực phẩm không đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo quy định của pháp luật để chế biến bữa ăn cho các học sinh.
Theo quy định của pháp luật, bếp ăn tập thể của trường học sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (Điểm c Khoản 3 Điều 21 Nghị định 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm). Trong trường hợp không bảo đảm an toàn, dẫn đến ngộ độc thực phẩm, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, chế tài bổ sung đối với những thực phẩm không đáp ứng VSATTP là bị buộc tiêu hủy hoặc buộc phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm (trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra).
Đối với người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà mức phạt tù có thể lên đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, xuất phát từ việc phải có hậu quả là “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng” nên việc khởi tố hình sự với tội danh này gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả thực phẩm bẩn không phát tác ngay.
Vì vậy, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã quy định người nào thực hiện hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 đến 20 người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm (Điểm e Khoản 1 Điều 317). Ngoài ra, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà mức phạt có thể lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.