Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với vai trò rất quan trọng liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thành phố thông minh, Sở Xây dựng Hà Nội phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi thành phố thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục và thời gian giải quyết, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng về thu gom, xử lý chất thải rắn, cấp nước sạch sinh hoạt, xử lý nước thải.
Liên quan tới những sai phạm về đất đai và trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, có thực tế là đã xử lý hành chính và cán bộ vi phạm rồi nhưng công trình vi phạm vẫn tồn tại.
“Như Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng nêu, xử phạt vi phạm hành chính rồi là chủ công trình cười ngay và lại xây tiếp. Sóc Sơn cũng bị như vậy. Xử cả cán bộ, cả vi phạm hành chính rồi nhưng công trình vẫn còn đấy, sau lại phải nhúc nhắc xử tiếp...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ và đề nghị trong trật tự xây dựng nói chung “phải xử lý, tất cả đều theo pháp luật” vì nếu không tạo ra được nếp tuân thủ pháp luật ngay từ đầu thì cứ xử hết năm này sang năm khác không bao giờ hết được.
Trong khi đó, lý giải về những vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm là hệ thống pháp luật. Nghị định 139/2017 đã giảm thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã/phường, như không được ra quyết định cưỡng chế công trình (giờ là thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận/huyện).
Công trình vi phạm bị đình chỉ 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép, nhưng lực lượng giám sát không có nên rất nhiều trường hợp bị đình chỉ vẫn cố tình xây tiếp. Cùng với đó, công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý và trở thành rất khó.