Trước thông tin dư luận cho rằng, khi mức phạt nâng lên sẽ dễ phát sinh tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm, Trưởng phòng PC08 - Công an TPHCM khẳng định sẽ không có chuyện tiêu cực xảy ra, bởi khi triển khai xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn theo quy định mới, Ban giám đốc Công an TPHCM đã quán triệt tinh thần, nêu cao trách nhiệm thi hành công vụ đến từng cán bộ, chiến sĩ. Về phía PC08, khi tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm ở chuyên đề nồng độ cồn, đơn vị sẽ không làm việc độc lập mà phối hợp với các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, lực lượng 363, công an phường... để hạn chế tiêu cực phát sinh.
Bên cạnh đó, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra, PC08 đang phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều phương thức, hình thức tuyên truyền sinh động, qua đó nâng cao ý thức cho người dân trong việc chấp hành luật khi tham gia giao thông. Ngoài ra, lãnh đạo PC08 cũng đề nghị cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị phải làm gương trong việc chấp hành quy định “đã uống rượu bia - không lái xe”, trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất và chịu các hình thức kỷ luật của ngành.
Ngày 6-1, Công an huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) đang điều tra làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ đối với tài xế Nguyễn Duy Thành (50 tuổi, trú tại huyện Đức Thọ). Khoảng 20 giờ 30 ngày 5-1, tổ cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Đức Thọ khi đến yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông Thành (điều khiển xe ô tô 4 chỗ) đã bất hợp tác, dùng tay đánh vào mặt Trung úy CSGT Trần Mạnh Thành (Công an huyện Đức Thọ). Sau đó, ông Thành còn dùng dép đánh một cán bộ CSGT khác. Qua kiểm tra, nồng độ cồn của ông Thành là 0,298mg/lít.
Tối 4-1, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) tổ chức ra quân lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.