Sáng 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên – Huế) phân tích nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định về ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra xét xử theo yêu cầu của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó tình trạng thiếu trang thiết bị kỹ thuật là khá phổ biến. “Cần có những hướng dẫn để thống nhất thực hiện trên toàn quốc, đồng thời bố trí đầy đủ kinh phí để lắp trang thiết bị kỹ thuật cần thiết”, ĐB Thanh Hải nhận định.
Đáng lưu ý, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm. ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành tòa án. Do vậy, tiến hành phiên tòa trực tuyến có thể coi như đòn bẩy thúc đẩy công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… cho cả đương sự lẫn bộ máy tư pháp.
“Hải Phòng đã đầu tư trang thiết bị, kết quả thực nghiệm xét xử trực tuyến rất tốt. Đề nghị chọn Hải Phòng làm thí điểm sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua”, ĐB Lã Thanh Tân nêu đề xuất.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình với phạm vi tổ chức, khái niệm và nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến được quy định tại Điều 1 dự thảo nghị quyết. Mặc dù vậy, ĐB nhấn mạnh: “Nhưng trong xét xử, quan trọng nhất vẫn là trực tiếp, nhất là án hình sự. Kể cả án dân sự cũng có những vụ việc tình tiết phức tạp. Do vậy cần lưu ý phạm vi, trường hợp áp dụng chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ, có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng”.
Đồng tình với việc xét xử trực tuyến, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) nói thêm: “Nghị quyết cần nêu rõ yêu cầu đánh giá kỹ cơ sở vật chất trên toàn quốc, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ hệ thống tòa án”.
Liên quan đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội thời gian qua, ĐB Phan Thái Bình lưu ý, những vụ việc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ có xu hướng tăng đột biến. Theo ông, rất cần làm rõ hơn nguyên nhân. Đặc biệt, trong quá trình phòng chống dịch đã xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Đã có những lùm xùm liên quan đến huy động và sử dụng những khoản từ thiện nhân đạo trong phòng chống dịch, dẫn đến nói xấu nhau, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây mất đoàn kết dân tộc. Lực lượng chức năng cần vào cuộc, làm rõ đúng sai, đừng để những vi phạm như thế diễn ra một cách dai dẳng”, ĐB Phan Thái Bình nhấn mạnh.