Xử lý nhiều vụ vi phạm
Theo Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố nên một số điểm nóng về khai thác cát trái phép không còn sôi động như trước. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, phòng chống khai thác cát trái phép vẫn đang là thách thức lớn đối với TPHCM.
Theo lý giải của Sở TN-MT, kinh tế thành phố đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, kéo theo là nhu cầu phát triển hạ tầng, giao thông, hoạt động xây dựng tăng lên. Vì vậy, nhu cầu sử dụng cát cho san lấp, xây dựng cũng ngày một tăng, trong khi việc cấp phép khai thác cát ở các tỉnh thành rất hạn chế, riêng TPHCM đã không cấp phép khai thác cát trên địa bàn hơn 10 năm qua.
Mặt khác, lợi nhuận từ việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép rất lớn nên nhiều đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Hiện nay, vẫn còn một số địa điểm thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép như tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn (từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), khu vực huyện Cần Giờ (chủ yếu tập trung tại các xã Tam Thôn Hiệp, Long Hòa, Lý Nhơn và vùng biển Cần Giờ).
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, đoạn sông vắng người để đưa phương tiện gắn máy bơm hút cát có công suất lớn, bơm hút cát trái phép sang các ghe mua vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số quận, huyện, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn vẫn còn phức tạp, công tác phòng chống khai thác cát trái phép gặp khó khăn. Theo ông Đinh Hoài Phong, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Củ Chi, công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn đang gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, do đặc điểm hoạt động trên môi trường sông nước, kiểm tra vào ban đêm, nên công tác trinh sát nắm tình hình khó khăn, khó bố trí lực lượng tiếp cận, theo dõi. Các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Việc sử dụng phương tiện ca nô của công an huyện dễ bị lộ do đối tượng khai thác thường cử người cảnh giác quanh điểm neo đậu ca nô và dọc sông Sài Gòn. Trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Củ Chi do công an huyện chủ trì, phối hợp với Trạm Cảnh sát đường thủy Rạch Tra - Phòng CSGT đường thủy kiểm tra 10 đợt về tình hình khai thác cát trái phép dọc sông Sài Gòn, tổ chức tuần tra hàng đêm trên tuyến dọc sông Sài Gòn thuộc địa phận huyện Củ Chi nhằm chủ động phòng ngừa hoạt động khai thác cát trái phép. Kết quả, đã phát hiện 1 vụ, trong đó tạm giữ tang vật 1 (ghe gỗ) vi phạm và 15m³ cát; xử phạt vi phạm hành chính 1 đối tượng về mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc với số tiền 5,5 triệu đồng.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cũng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng của huyện đã phát hiện, xử lý 23 trường hợp (6 trường hợp khai thác cát và 17 trường hợp vận chuyển cát trái phép), số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng, tịch thu gần 8.400m³ cát và nhiều phương tiện vận chuyển vi phạm.
Sẽ có chế tài mạnh tay
Ông Trương Tiến Triển cho biết thêm, để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép khu vực huyện Cần Giờ, thành phố đã thống nhất tiếp tục triển khai đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh giai đoạn 2023-2026”.
Theo đó, các đơn vị tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm như xây dựng trạm kiểm soát biên phòng trên vùng biển Cần Giờ phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm trên biển, trong đó có khai thác cát trái phép; bố trí vốn đầu tư công thực hiện mua sắm ca nô phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra khai thác cát trên địa bàn huyện Cần Giờ…
Còn theo ông Đinh Hoài Phong, để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Củ Chi, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán cát dọc khu vực sông Sài Gòn thuộc địa bàn quản lý. Mặt khác, chính quyền vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng dọc sông Sài Gòn ký cam kết không mua bán cát không rõ nguồn gốc. Vận động người dân sống dọc sông Sài Gòn không khai thác khoáng sản trái pháp luật và cung cấp thông tin về những đối tượng nghi vấn hoạt động khai thác cát trái phép cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Song song đó, Công an huyện Củ Chi tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng của thành phố tăng cường thanh, kiểm tra, khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, hiện nay, công tác thanh, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác phối hợp, kiểm tra, trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép giữa TPHCM và các tỉnh vùng giáp ranh chưa thực sự đồng bộ. Địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế, gây khó khăn khiến việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm không bảo đảm an toàn, dễ hư hỏng, thất thoát. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp được quy định tại khoản d, Điều 17 Nghị định số 98/2020 của Chính phủ cũng chưa đủ sức răn đe. Để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, Sở TN-MT TPHCM đang phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai công tác phòng chống khai thác cát trái phép, trong đó ban chỉ đạo sẽ kiến nghị, đề xuất các giải pháp, chế tài mạnh tay hơn.