Theo Sở TN-MT, do đặc thù trong các khu cách ly tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao, các loại chất thải lại rất phức tạp, vì vậy sở yêu cầu UBND quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tiêm vaccine Covid-19 thực hiện phân loại rác tại các điểm tiêm chủng đúng quy định để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo đúng yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường.
Theo đó, các đơn vị tổ chức tiêm chủng cần phân loại chất thải theo quy định của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế). Chất thải y tế phát sinh trong tiêm chủng vaccine Covid-19 được phân loại như sau: đối với kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác (nếu có) phân loại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh; đối với bông, băng dính máu, vỏ lọ vaccine đã dùng hết, lọ đựng vaccine thừa thải bỏ, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ (nếu có) và các chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khác phân loại vào túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Lọ vaccine hết hạn sử dụng hoặc hỏng không sử dụng được do quá trình bảo quản cần phân loại riêng để tiêu hủy theo quy trình hủy thuốc, hoặc trả lại nhà sản xuất theo thỏa thuận với bên cung cấp.
Đối với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, phải triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các điểm tổ chức tiêm vaccine Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM và của Cục Quản lý môi trường y tế.
Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom.
Đặc biệt, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ. Quá trình vận chuyển chất thải cũng phải đáp ứng các yêu cầu về phương tiện, lộ trình và thời gian vận chuyển.