Theo ghi nhân của PV Báo SGGP, Đồng Nai có 27 dự án đất nền ở huyện Long Thành được Công ty Alibaba rao bán ồn ào, thực tế có nguồn gốc là 19 khu đất nông nghiệp do hộ gia đình đứng tên hoặc đã sang nhượng, trong đó có 14 khu đất do ông Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Công ty Alibaba) hoặc người thân đứng tên; có 6 khu đất công ty này đã tự ý xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp và được chia nhỏ thành các lô đất 500m2 để được tách thửa, rồi mời chào nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn vào dự án “ma”. Khi khách hàng đóng đủ 95% số tiền, công ty sẽ làm hợp đồng mua bán và ra sổ đỏ, trường hợp chậm giao đất sẽ trả thêm lãi suất cho người đầu tư. Việc UBND huyện Long Thành có văn bản đồng ý cho Công ty Alibaba tự làm đường giao thông, đấu nối từ khu đất phân lô trái phép với đường giao thông hiện hữu đã vô tình làm khách hàng nhầm tưởng là dự án bất động sản được nhà nước cấp phép.
2 dự án “ma” còn lại của Công ty Alibaba tại tỉnh Đồng Nai nằm trên địa bàn xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), do nắm bắt kịp thời dấu hiệu lừa đảo bán đất của Công ty Alibaba, chính quyền các địa phương đã ngăn chặn các giao dịch, phá dỡ công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp ngay khi phát hiện, thông báo rộng rãi để người dân biết và cảnh giác. Thời điểm thực hiện các phần việc trên là 4 tháng trước khi các anh em của Nguyễn Thái Luyện bị bắt.
Tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hàng loạt khu đất nông nghiệp cá nhân đứng tên sở hữu bị phân lô bán nền dưới danh nghĩa “khu dân cư Alibaba”, nhưng không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng và chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa. Trong đó, khu đất rộng gần 135.000m2 ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên sở hữu được làm đường, xây bó vỉa, kéo điện rồi phân lô bán nền dưới danh nghĩa “dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”. Đáng chú ý, dù địa điểm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chỉ cách trụ sở UBND xã Châu Pha vài trăm mét, dù UBND xã nhiều lần kiểm tra nhưng không xác định được cá nhân, đơn vị làm đường giao thông nội bộ, khiến dư luận nghi ngờ có sự tiếp tay cho sai phạm.
TAND TPHCM cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) và các ngành chức năng (xây dựng, TN-MT) có dấu hiệu làm ngơ cho sai phạm của Công ty Alibaba, khiến hàng ngàn khách hàng mắc bẫy. Trước đó, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã chuyển hồ sơ liên quan đến Cơ quan CSĐT các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đề nghị xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ, lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đất đai để điều tra hành vi chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá cao nhưng thực hiện hợp đồng công chứng với giá thấp có dấu hiệu trốn thuế.