Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó, người dân đã nhận thức tốt hơn về việc cần giữ gìn sự yên tĩnh trong khu dân cư, các hành vi vi phạm về tiếng ồn đã giảm nhất định ở các địa phương. Cổng thông tin 1022 hoạt động hiệu quả với 1.061 tin báo được tiếp nhận (từ 10-3 đến 19-4). Trong đó, 764 tin đã xử lý (chiếm 72%) và 297 tin đang được xử lý (chiếm 28%). Ngoài cổng thông tin 1022, TP Thủ Đức và các quận, huyện còn có các kênh tiếp nhận tin báo của người dân về tiếng ồn qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng.
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành, TP Thủ Đức và quận, huyện không nêu lý do “không thể xử phạt do không thể đo độ ồn” để không xử lý các vi phạm. Các địa phương phải áp dụng các quy định của pháp luật, trong đó có Nghị định 167/2013/NĐ-CP, để xử lý nghiêm các hành vi gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng, bởi đây là hành vi vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn. Ngay cả những cơ sở kinh doanh ăn uống nhưng có ca hát lớn tiếng làm ảnh hưởng đến người khác cũng là vi phạm và cần bị xử phạt, kèm tịch thu tang vật.
Đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu, đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh, nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện tình trạng vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn nhưng không được giải quyết, hoặc giải quyết không kiên quyết thì chủ tịch UBND quận, phường phải chịu trách nhiệm. Đồng chí Võ Văn Hoan cũng lưu ý các sở, ngành và địa phương kiên quyết xử lý những nơi vi phạm nhiều lần, nơi có nguy cơ phát sinh tiếng ồn; phải xử lý nghiêm các vi phạm về tiếng ồn, vì sự bình yên trong cuộc sống của người dân nơi đô thị.