Theo đó, VEC xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý trách nhiệm nếu để chậm tiến độ. Đồng thời, VEC phải báo cáo kết quả và kế hoạch triển khai thực hiện hàng tháng để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ ETC phối hợp, hỗ trợ VEC trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, kết nối liên thông toàn bộ hệ thống trên toàn quốc. Hiện trong 5 dự án đường cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý, mới chỉ có đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn), các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng. Theo kế hoạch, VEC sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý 2-2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý 3-2022.