Đoàn trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cống Sông Lu 2, dự án có tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng nhằm ngăn triều chống ngập cho 540ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi. Kế tiếp là dự án đê, kè rạch Sơn - cầu Đen và công trình nâng cấp sửa chữa tuyến kênh Đông, 2 công trình có vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng nhằm đảm bảo hệ thống kênh tưới tiêu trên địa bàn huyện Củ Chi. Đoàn cũng kiểm tra trung tâm điều khiển tự động các van điều tiết nước kênh Đông; kiểm tra dự án đê bao ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi, TPHCM.
Báo cáo với đoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Xuân Hoàng, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, cho biết, đã lên phương án, xác định các khu vực xung yếu, trọng điểm cần ứng cứu, di dời dân khi bão, bão mạnh hoặc rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP. Theo đó, có 474 khu vực xung yếu, trọng điểm cần sơ tán, di dời dân; 938 vị trí an toàn kiên cố để sơ tán dân đến trú tránh; đối với bão cấp 8-9: số người di dời tại chỗ là 500.047 người; đối với bão cấp 10-13 số người di dời tại chỗ là 506.918 người; lực lượng dự kiến huy động ứng phó thiên tai khoảng 30.000 người.
Về công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, TP đang xây dựng, số hóa các loại bản đồ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành như: bản đồ cảnh báo các vị trí xung yếu và địa điểm an toàn di dời dân khi xảy ra thiên tai; bản đồ cảnh báo ngập lụt và di dời dân khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 600m3/giây và 1.000m3/giây; bản đồ cảnh báo ngập lụt do bão mạnh, rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn TP...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống đánh giá cao sự nỗ lực của TPHCM đã chủ động các công tác phòng chống thiên tai có hiệu quả. TPHCM đã xây dựng được các kịch bản, phương án rất sát với thực tế, xử lý nhanh các tình huống khi có sự cố xảy ra. Các chương trình, chính sách khắc phục hậu quả tổ chức bài bản căn cơ đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho rằng TP vẫn còn tồn tại một số vấn đề, các dự án tiêu thoát nước, công tác phòng chống sạt lở phối hợp chưa đồng bộ, việc gắn kết còn chưa đồng bộ dẫn đến nhiều dự án kéo dài. Tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch còn nhiều so với các tỉnh thành khác, cần khẩn trương khắc phục.
Theo đồng chí Võ Thành Thống, cái khó nhất ở các dự án tiêu thoát nước là giải phóng mặt bằng vì vậy dự án thường chậm vận hành đúng tiến độ, cùng với đó là tình trạng lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy… là những nguyên nhân cơ bản gây ngập cục bộ khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, trang thiết bị phòng chống thiên tai còn thiếu, công tác tuyên truyền hạn chế… Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị TPHCM trong năm nay phải nâng cao cảnh giác khi những tháng cuối năm dồn dập nhiều cơn bão đi cùng lốc xoáy, mưa dông sấm sét...