Sáng 23-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Qua nghiên cứu các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nhận thấy, về điều kiện hưởng lương hưu cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG |
Theo ĐB, cách tính mức lương hưu như dự thảo sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.
Đồng thời, dự thảo luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.
Về BHXH 1 lần, ĐB Phạm Thị Kiều cho rằng, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. ĐB đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
ĐB Phạm Thị Kiều. Ảnh: VIẾT CHUNG |
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nhìn nhận, BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên người lao động hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.
ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần để có giải pháp căn cơ. Ngoài ra, ĐB đề nghị xem xét điều kiện giúp BHXH 1 lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
"Đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều"
Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.
Theo ĐB, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai. Ảnh: VIẾT CHUNG |
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc mở rộng này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH.
Do đó ĐB cho rằng, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật cần có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện xử lý, xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định…
Để khắc phục tình trạng này, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng). ĐB cũng cho rằng cần công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
ĐB Đỗ Thị Việt Hà. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Bên cạnh đó, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Cụ thể, ĐB đề nghị cần chỉnh sửa, bổ sung quy định, khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị, ngoài thủ tục hành chính đơn giản thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, chính sách bảo hiểm bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH vẫn chưa được giải quyết triệt để.