Hàng nhập lậu, hàng giả vẫn tiếp tục len lỏi qua biên giới, thẩm lậu vào thị trường nội địa, gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, thất thu ngân sách nhà nước. Khu vực giáp ranh, ngoại thành TPHCM chính là những điểm tập kết lý tưởng hàng trôi nổi của đối tượng buôn lậu. Trước thực tế này, nhiều giải pháp được cơ quan chuyên trách đặt ra nhằm đẩy lùi hàng lậu, hàng giả trên thị trường.
Bất chấp thủ đoạn vì siêu lợi nhuận
Đánh giá về thực trạng buôn lậu ở các tỉnh biên giới Tây Nam, nhiều lãnh đạo cơ quan chuyên trách thẳng thắn nhìn nhận, buôn lậu ở những điểm “nóng” vùng biên là “căn bệnh” khó chữa. Có những gia đình từ người già đến trẻ em đều tham gia “chuỗi” buôn lậu, từ đưa thông tin liên lạc đến gùi hàng, vận chuyển hàng… Chẳng hạn, người dân không lạ lẫm khi bắt gặp cửu vạn chạy xe máy tốc độ cao vào lúc giữa trưa hoặc rạng sáng qua những tuyến đường thuộc khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An…
Ngay trên địa bàn TPHCM, lực lượng quản lý thị trường (QLTT), công an kinh tế các quận, huyện cũng thường xuyên chốt chặn, bắt được nhiều vụ vận chuyển thuốc lá, đường lậu số lượng lớn. Gần đây nhất là vụ phát hiện hàng chục ngàn gói thuốc lá nhập lậu, hơn 130 tấn đường cát lậu, quá hạn sử dụng trên địa bàn quận 6, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn…
Theo ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, buôn lậu đường, thuốc lá các loại ở khu vực biên giới vốn rất “nóng”. Không ít hộ gia đình gắn với buôn lậu để sinh sống qua ngày. Đáng chú ý, đối với mặt hàng thuốc lá, đối tượng vận chuyển thường xé lẻ lô hàng, chia nhỏ dưới 1.500 bao (trên 1.500 bao sẽ bị xử lý hình sự), cử người theo dõi lực lượng chức năng để dễ bề hành động…
Các chuyên gia phân tích, vì thuốc lá nhẹ, dễ vận chuyển, đồng thời “siêu lời” (có thể lên tới 350%) vì trốn được nhiều loại thuế (tiêu thụ đặc biệt 70%; quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 135%), gây thất thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng tiền thuế/năm. Thậm chí, có trường hợp khi cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, bộ đội biên phòng…) phát hiện, các đối tượng buôn lậu đâm thẳng xe máy, vỏ lãi (vận chuyển đường sông) vào cán bộ chức năng đang làm nhiệm vụ. Thêm nữa, vào mùa nước nổi, dọc tuyến biên giới giáp ranh với Campuchia, tình trạng buôn lậu diễn ra tấp nập, nhộn nhịp như thách thức cơ quan chuyên trách.
Cẩn trọng “đạn bọc đường”
Cách nay ít ngày, tại cuộc họp bàn về giải pháp chống buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhìn nhận, hàng lậu, hàng giả có tác hại rất lớn đến tình hình sản xuất kinh tế trong nước, gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân; làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; tác động tiêu cực đến môi trường...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều đợt ra quân kiểm tra hàng nhập lậu tại các địa phương, địa bàn trọng điểm; xây dựng, sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Số vụ vi phạm cùng tang vật tịch thu được năm sau cao hơn năm trước, nhất là những mặt hàng trọng yếu, chiến lược, như: xăng dầu trên biển, gỗ, đường, thuốc lá, hàng gia dụng… nhập lậu trên biên giới Tây Nam. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng biên phòng đã phát hiện trên 240 vụ và 105 đối tượng vi phạm; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 53 vụ, với tổng giá trị hàng hóa tạm giữ hơn 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Thực trạng buôn lậu trên các tuyến biên giới rất phức tạp. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, lực lượng chuyên trách cần phải tự đặt câu hỏi, tại sao đã nỗ lực chống buôn lậu nhưng tình trạng này vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, nhất là các tuyến biên giới.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, không phủ nhận có hiện tượng tiêu cực, một số cán bộ tha hóa đã góp phần tiếp tay cho buôn lậu hoành hành. Đối với thực tế này, các cán bộ làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cần phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước những “viên đạn bọc đường” được đối tượng buôn lậu thường xuyên sử dụng. Ban đầu có thể chỉ là những lời thăm hỏi ngọt ngào, món quà tặng vào các dịp lễ, tết từ những tay buôn lậu; sau đó quen thân, cán bộ chống buôn lậu dần trở thành người “chống lưng”, bảo kê cho buôn lậu. Tất nhiên, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu giải pháp, để ngăn chăn hiệu quả tình trạng buôn lậu, Nhà nước cần xem xét chế độ lương bổng, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm nhiệm vụ chống buôn lậu; vận động hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho người dân ở các địa phương thuộc khu vực biên giới trọng điểm (khi cuộc sống ổn định, người dân sẽ không tiếp tay, làm phu khuân vác, vận chuyển hàng lậu mà tập trung làm ăn, phát triển kinh tế - PV); tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng liên ngành với nhau...
Ngược lại, những ai không hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tay cho buôn lậu sẽ bị xử lý thích đáng. Thêm nữa, lãnh đạo từng địa phương, các sở ngành, trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả) từng địa phương cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại hoành hành ở địa phương mình.
Tạm giữ gần 50 tấn đường cát trôi nổi
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, các đội QLTT TP đã kiểm tra, tạm giữ gần 50 tấn đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng. Thêm nữa, QLTT TP cũng tạm giữ gần 21.000 đơn vị sản phẩm quần áo, đồng hồ đeo tay, thực phẩm các loại mang thương hiệu Chanel, Adidas, Nike, Rolex... Hầu hết số hàng vi phạm đều được kinh doanh, chứa trữ tại các chợ truyền thống, gồm cả chợ bán sỉ trên địa bàn TPHCM. Hàng hóa từ các điểm tập kết lớn được chia nhỏ tiêu thụ ở TPHCM cũng như các địa phương lân cận.