Đó là quan điểm được nhiều nhà quan sát, chuyên gia kinh tế chia sẻ. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, ông đã rất lo lắng về việc do bận rộn chống dịch, bản nghị quyết có thể không được ban hành, tạo nên sự “đứt gãy” trong nỗ lực liên tục nhiều năm qua của Chính phủ. Vì thế, việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP được ông nhìn nhận là “thật mừng”.
Quả thực, việc đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và khiến tiến trình cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu năm 2021, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và không ít chỉ tiêu cụ thể còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Chỉ tiêu đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm 2 bậc (từ 49 xuống thứ 51); quyền tài sản giảm 6 bậc (từ 78 xuống 84); chỉ số quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc (từ 5,132 điểm xuống 4,995 và giảm 6 bậc, từ vị trí 78 xuống 84), chỉ số về cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ vị trí 96 xuống 104)…
Với việc ban hành Nghị quyết 02, Chính phủ đã tiếp tục cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào 2 mục tiêu chính: cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022. Nghị quyết kế thừa được nhiều nội dung của Nghị quyết 02 cũ, trong đó kế thừa có phát triển, có mở rộng và làm sâu sắc thêm.
Nếu như các nghị quyết trước chủ yếu quy định yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh theo kiểu “cắt ngọn” thì Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10-1 đã ghi rõ cắt giảm “danh mục, ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Nói nôm na là “đào tận gốc” những quy định vô lý, cản trở hoạt động kinh doanh đúng luật pháp, vừa giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, đồng thời ngăn chặn những kẽ hở “xin - cho”, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức biến chất. Việc đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng đã có mốc thời gian cụ thể: phải hoàn thành trong năm 2023. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng mở rộng thị trường các nhân tố sản xuất thiết yếu...
Một thuận lợi đáng kể cho việc thực hiện nghị quyết cũng đã được Chính phủ chuẩn bị với việc trình Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung 8 luật về đầu tư kinh doanh tại kỳ họp bất thường vừa qua của Quốc hội.
Tuy nhiên, không khó để nhìn thấy rằng, còn những vấn đề được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật (ở những tầng mức khác nhau) không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn. Đơn cử, qua rà soát 252 văn bản, Bộ KH-ĐT đã chỉ ra 19 văn bản có sự chồng chéo, bất cập quy định về việc phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (8 luật, 10 nghị định, 1 thông tư). Bộ TN-MT sau khi rà soát 440 văn bản cũng chỉ ra 30 văn bản có nội dung không đồng bộ, không còn phù hợp…
Vì thế, tiếp tục hoàn thiện thể chế là việc làm thường xuyên. Cùng với đó, rất cần sức ép mạnh mẽ từ nhiều phía như doanh nghiệp, xã hội, người dân và nhất là từ cấp hành chính cao nhất - Thủ tướng và Chính phủ, để những vấn đề được theo dõi, báo cáo kịp thời và xử lý dứt điểm, rốt ráo ngay từ những ngày, tháng đầu của năm 2022.