Sáng 25-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Không thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập
UBTVQH cho biết, về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.
Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự (BLHS) đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, có ý kiến ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Giải trình nội dung này, UBTVQH tán thành với đa số ý kiến ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và quân nhân chuyên nghiệp.
Về quan điểm xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích cụm từ tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là: tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.
2 phương án xử lý tài sản bất minh
Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, hiện nay ý kiến còn rất khác nhau.
Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.
Một số ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án.
Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị một số phương án khác như giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính; xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua trình tự, thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.
Phân tích ưu, nhược điểm của cả 3 phương án, UBTVQH cho rằng, nếu thu thuế thu nhập thì chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN.
Nếu xử phạt hành chính thì mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là yêu cầu mà thực tiễn công tác PCTN đang đặt ra. Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc cũng không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, nếu xem xét thu hồi, giải quyết tại Tòa án thì thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; đây cũng là cách được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 3 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án), vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.
Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho ý kiến về 2 phương án: một là thu hồi, giải quyết tại Tòa án; hai là thu thuế thu nhập cá nhân.