Chất thải nguy hại gia tăng
Tỉnh Đồng Nai hiện có 85 khu cách ly, 423 vùng cách ly tập, 9 BV dã chiến nên lượng chất thải phát sinh lớn, mỗi ngày có 77,63 tấn (trong đó chất thải lây nhiễm 29,47 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt 48,16 tấn/ngày). Chất thải rắn sinh hoạt được giao cho Công ty CP Môi trường Sonadezi, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi thu gom, khử khuẩn, chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) và Khu xử lý chất thải Quang Trung (huyện Thống Nhất); chất thải lây nhiễm được một số công ty trên địa bàn thu gom, xử lý trong lò đốt.
Bình Dương hiện có 22 cơ sở điều trị Covid-19 (bao gồm 5 BV dã chiến), 143 cơ sở cách ly y tế tập trung và 1.601 điểm, khu phong tỏa với hơn 77.000 ca mắc. Số lượng chất thải hơn 40 tấn/ngày (chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung chiếm khoảng 50%; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày). Chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được thu gom vào thùng chứa chất thải có thành cứng, nắp đậy, chịu được va đập nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm và được giao cho Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương xử lý trong lò đốt theo quy định. Biwase tiếp nhận, xử lý chặt chẽ ngay từ cổng ra vào nhà máy với hệ thống đo thân nhiệt, khử khuẩn tự động, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe mà các đối tác như Nhật Bản, châu Âu áp dụng.
Còn tỉnh Bình Phước có 47 khu cách ly tập trung cấp độ 2-3 và 53 khu cách ly cấp độ 4-5, với tổng khả năng cách ly hơn 15.000 người nên chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh hàng ngày cũng rất lớn. Ghi nhận của PV Báo SGGP vào những ngày giữa tháng 8-2021 tại huyện Bù Đăng, tất cả rác thải phát sinh từ phòng xét nghiệm, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh… được coi là rác thải nguy hại, đều được cho vào bịch màu vàng, đưa xuống lò đốt. Lò đốt rác của Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng mỗi mẻ đốt 30kg rác thải y tế, với số lượng rác thải lớn nên phải hoạt động liên tục và phần tro xỉ được Công ty TNHH Môi trường Cao Gia Quý thu gom, đưa về xử lý.
Chị Nguyễn Thị Lệ, cán bộ phụ trách Kiểm soát nhiễm khuẩn và môi trường (Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng), cho biết thêm: “Tất cả rác thải phát sinh đều có nguy cơ lây nhiễm nên được thu gom toàn bộ để xử lý. Khu vực điều trị có hộ lý riêng phụ trách thu gom, phun khử khuẩn đem ra ngoài, cột ở bịch màu vàng và sau đó nhân viên mặc đồ bảo hộ đến thu gom xuống nhà đốt rác”.
Còn Trung tâm Y tế thị xã Phước Long có thêm giải pháp hấp sấy khử khuẩn trong máy hấp vi sóng công suất 20kg/mẻ, mỗi mẻ hấp khử khuẩn kéo dài 3 giờ, mỗi ngày hấp 3 mẻ và chỉ dùng cho rác thải từ khu điều trị F0. Trung tâm sử dụng 2 phương pháp là đốt và hấp vi sóng khử khuẩn, chất thải được xử lý triệt để. Lúc cao điểm, mỗi ngày phải xử lý từ 200-450kg rác thải từ các khu cách ly F1, khu điều trị F0 cùng rác thải phát sinh ở khâu truy vết, lấy mẫu.
Không để ùn ứ rác thải tại khu cách ly
Cùng với TPHCM, tỉnh Bình Dương có số lượng ca mắc Covid-19 hiện lên đến trên dưới 4.000 ca mỗi ngày nên tỉnh đang tăng cường việc xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại cơ sở điều trị, BV dã chiến, cơ sở cách ly tập trung, điểm phong tỏa. Chất thải được thu gom xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải nguy hại theo đúng quy định tại Quyết định 3455/QĐ-BCĐ ngày 5-8-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19; lượng chất thải chỉ hơn 21% so với năng lực xử lý của Biwase, chưa kể 4 doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase, cho biết, với việc đầu tư máy móc hiện đại, công ty đảm bảo tiếp nhận và xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đủ khả năng xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại 300 tấn/ngày và đủ năng lực xử lý chất thải sinh hoạt, y tế giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Đồng Nai, theo ông Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở TN- MT, thì đến nay chưa xảy ra tình trạng ùn ứ hay quá tải việc xử lý rác thải. Sở TN-MT Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh ở cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly.
Tỉnh Bình Phước có 5 nhà máy, cơ sở, khu xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động là Công ty TNHH Môi trường Cao Gia Quý, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty CP Môi trường Thảo Dương Xanh, Công ty TNHH Công nghệ môi trường Bình Phước Xanh, Công ty Môi trường Miền Đông. Các công ty chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và thực hiện nghiêm ngặt quy trình giao nhận, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…với tinh thần trách nhiệm cao, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc về môi trường cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.