Sông Tô Lịch dài hơn 14km, chảy qua 5 quận, huyện của Hà Nội. Nhiều năm nay, Tô Lịch trở thành “sông chết” vì ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường của Hà Nội, cũng như cuộc sống của người dân dọc 2 bên bờ sông. Trước thực trạng này, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Nhưng các biện pháp mới chỉ giải quyết được phần ngọn của tình trạng ô nhiễm nơi đây.
Cá hồ Tây chết trắng sông Tô Lịch
Những ngày vừa qua, nhiều người dân các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân sinh sống ở 2 bên bờ sông Tô Lịch không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến nước sông từ màu đen kịt, đặc quánh bùn và nồng nặc hôi thối bỗng trở nên đầy ắp và trong xanh. Thậm chí, một số người lâu nay không dám ra gần bờ sông vì mùi hôi thì nay còn đem cần ra ngồi câu cá. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Huy Minh (68 tuổi, ở phường Quan Hoa, Cầu Giấy) nói: Tôi sống ở đây hơn 40 năm rồi nhưng lâu lắm mới thấy nước sông Tô Lịch xanh thế này, mùi hôi thối cũng giảm đi nhiều lắm. Hy vọng, chính quyền thành phố đã có cách để xử lý ô nhiễm con sông này. Trong khi đó, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, sở dĩ nước sông Tô Lịch trở nên xanh hơn, bớt mùi là do công ty đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa và chống ngập, cũng như tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, thời gian mở cửa xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch chỉ kéo dài trong vòng 3 ngày nên người dân sống 2 bên bờ sông đã nhanh chóng thất vọng khi nước sông trở về trạng thái vốn có lâu nay là đen kịt và hôi thối. Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi dừng xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch thì từ chiều 13-7 và trong ngày 14-7, trên sông Tô Lịch đã xuất hiện tình trạng cá chết nổi trắng mặt sông ở nhiều đoạn. “Hiện tượng cá chết hàng loạt gần như cùng lúc khi mực nước sông Tô Lịch cạn đi, không còn nước từ hồ Tây chảy vào nữa. Càng về chiều, cá chết càng nhiều, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu…”, ông Hưng, một người dân sống gần sông Tô Lịch, cho biết.
Cần xử lý đồng bộ hơn
Trước việc Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa và giảm bớt ô nhiễm cho sông Tô Lịch, một số chuyên gia môi trường thẳng thắn cho rằng chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Vì sông Tô Lịch dài hơn 14km nên chỉ vài ngày sau, con sông này sẽ lại về trạng thái ban đầu. Cùng với việc mới đây xả nước, mới đây Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã đề xuất phương án làm sạch sông Tô Lịch bằng việc bổ cấp nước từ sông Hồng. Theo phương án này, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông (tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng) 4 máy bơm chìm công suất 2.500m3/giờ, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên. Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây rồi dẫn vào sông Tô Lịch.
Cùng với đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất phương án tổng thể, bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống 2 bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm. Ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết, khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Tô Lịch thì con sông này vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy nên cần xem xét phương án bổ cấp nước từ sông Hồng vào để tạo dòng chảy. Ông Minh cũng cho rằng, sông Tô Lịch là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thủy khi có đủ nước và giải quyết được tình trạng ô nhiễm.
Đề xuất dùng nước sông Hồng để bơm vào sông Tô Lịch nhằm “hồi sinh” cho dòng sông này được nhiều chuyên gia về môi trường đánh giá khá cao tính khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, để bền vững thì phải xử lý triệt để hàng trăm ngàn mét khối nước thải đang hàng ngày chảy vào sông Tô Lịch. Theo GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam, muốn “hồi sinh” sông Tô Lịch cần phải làm theo trình tự. Đầu tiên làm trẻ hóa 2 bờ sông, tiếp theo là xử lý ô nhiễm sông từ việc thu gom xử lý nước thải đổ vào sông, cuối cùng mới tính tới việc đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
TS Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, khẳng định phải làm sạch dòng sông Tô Lịch trước khi bơm nước vào, vì dòng sông này đang bị ô nhiễm nặng khi mỗi ngày tiếp nhận 150.000m3 nước thải sinh hoạt từ gần 300 cống xả đổ vào. |