Việc xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.
Vì vậy, trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định nêu trên, căn cứ vào các cấu thành tội phạm người nước ngoài thực hiện, họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội.
Trong các hình phạt áp dụng cho người phạm tội là người nước ngoài, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất. Đối với hình phạt này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2001/NĐ-CP ngày 23-8-2001, là văn bản được áp dụng chủ yếu hiện nay trong việc hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất.
Khoản 1 Điều 1 nghị định này quy định trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam), buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, nghị định cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thi hành hình phạt trục xuất, trình tự và thủ tục thi hành hình phạt trục xuất.
Mặc dù quy định là vậy, việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của cơ quan tố tụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề vướng mắc. Việc xử lý hành vi phạm tội của người nước ngoài sẽ liên quan đến vấn đề ngoại giao của các nước liên quan.
Tuy nhiên, có một số nước, Việt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm, hoặc hiệp định tương trợ tư pháp, nên khi phát hiện công dân của nước họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ rất khó xử lý, cũng như không nhận được sự hỗ trợ tích cực, thiện chí từ các quốc gia này.
Việc bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trong những trở ngại rất lớn, đặc biệt trong quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, tuyên án…, đòi hỏi phải có người dịch thuật lại cho người nước ngoài phạm tội bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc xác định được nhân thân của người nước ngoài phạm tội, ví dụ tuổi, tiền án, tiền sự…