Vụ việc này gây nhiều tai tiếng làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của cán bộ, Đảng viên tại Trung tâm Văn hóa Tuy Phước và cả UBND huyện Tuy Phước. Hơn nữa, dù đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định song đến các đơn vị liên quan vẫn chưa giải quyết và trả lời thấu đáo, công khai với dư luận, báo chí.
Chuông cổ “không cánh mà bay”
Vừa qua, ông Phạm Văn Long (73 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước), người đã có hàng chục năm làm bảo vệ, canh giữ nhà kho tại Trung tâm VH-TT-TT (gọi tắt là Trung tâm Văn hóa) huyện Tuy Phước, phản ánh, trước đây, tại Trung tâm Văn hóa huyện Tuy Phước vẫn lưu giữ 1 chiếc chuông cổ bằng đồng thu dung từ 1 ngôi chùa tại địa phương sau năm 1975. Hàng chục năm sau đó, chuông vẫn được lưu giữ tại nhà kho của trung tâm, do ông Long trực tiếp giữ.
Tuy nhiên, đến lúc ông Võ Tuấn Khanh lên giữ chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tuy Phước (khoảng năm 2011), sau đó thì chuông cổ âm thầm được đem đi bán mà không hề có quyết định của cấp trên, không tổ chức lấy ý kiến thống nhất của tập thể.
Theo ông Long, chuông cổ này cao khoảng 1,5m, đường kính khoảng 40cm và khá nặng. Ngoài ra, thân chuông có khắc chữ hán nổi, được làm từ đồng và có nhiều vàng nên gõ vào kêu vang xa,...
“Đã là hiện vật xưa lưu giữ lại thì dù là một đồng xu cũng được lưu giữ trong tủ kính cẩn thận để trưng bày. Ở đây, nó là một chiếc chuông cổ loại lớn, rất quý giá mà tự ý đem đi bán như thế thì quá vô lý. Cá nhân tôi làm bảo vệ, giữ kho, giữ chuông đã qua 4 đời giám đốc trung tâm, giờ để mất chuông nên tôi rất lo lắng về trách nhiệm. Trước khi tôi nghỉ việc (tháng 8-2019), tôi quyết định nói hết sự thật và trực tiếp hỏi ông Khanh về chiếc chuông cổ tại một cuộc họp công khai. Lúc này ông Khanh mới nói rằng, đã thanh lý chiếc chuông và tiền thì sung công quỹ rồi...”, ông Long cho biết.
Ngoài ra, một số nhân chứng từng trải qua vị trí thủ kho, có người đương chức cho biết, chuông cổ này có in 2 chữ Hán, có 2 con rồng từ dưới bay lên đỉnh chuông; từ đỉnh chuông xuống là hình loa…
Ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, giải thích: “Sự việc diễn ra cách nay cũng đã khá lâu, chuông này cũng chẳng có giá trị gì, hồi đó chúng tôi đưa đi thanh lý khoảng 2 triệu đồng để nhập vào quỹ của trung tâm. Do tôi nghĩ nó không có giá trị nên đem bán sắt vụn cho một cửa hiệu tại phường Đập Đá, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định-PV)”.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi bán chuông đã có quyết định của UBND huyện và có hóa đơn thanh lý, hóa đơn nhập quỹ hay không? thì ông Khanh lại không cung cấp được và lúng túng nói rằng do lâu quá không còn nhớ giấy tờ để ở đâu…
Sau đó, ông Khanh thừa nhận, việc bán chuông như vậy là sai sót, có phần chủ quan khi chưa xin ý kiến của các đơn vị chuyên môn, UBND huyện Tuy Phước và chưa ngành chức năng thẩm định giá trị... Khi nói về việc khắc phục, ông Võ Tuấn Khanh lại hứa rằng, sẽ chỉ đạo người kiểm tra để lần tìm để thu lại bằng được chiếc chuông.
Một nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước thừa nhận với PV Báo SGGP Online, chiếc chuông cổ đã lâu đời, rất có giá trị về mặt lịch sử. Đến khi ông nghỉ hưu do bệnh nặng năm 2011 thì chuông cổ vẫn còn, được bàn giao lại cho ông Khanh.
“Về nguyên tắc, bán chuông đi hoặc bất cứ tài sản gì tại trung tâm thì phải có ý kiến của UBND huyện Tuy Phước và phải lấy ý kiến tập thể. Nếu có việc tự ý đưa đi thanh lý hoặc bán như vậy thì không đúng nguyên tắc…”, nguyên lãnh đạo nói trên cho biết.
Khẩn trương làm rõ trách nhiệm
Ngày 8-4, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 2242/UBND-VX chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí phản ánh. Qua đó, khẩn trương làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có)…
Văn bản này do ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký và ban hành nêu rõ, UBND huyện Tuy Phước phải sớm làm rõ thông tin. Trước ngày 25-4-2020, UBND huyện phải có báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và gửi báo cáo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…
Mặc dù vậy, từ khi có văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ đến ông Võ Tuấn Khanh để đặt lịch làm việc trực tiếp song ông Khanh liên tục báo bận hoặc viện lý do không gặp...
Trong khi đó, ông Mai Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước cũng cho biết, chưa thể liên hệ được với ông Võ Tuấn Khanh.
“Liên quan đến vụ việc này, quan điểm của huyện sẽ làm đúng luật, đúng quy định chứ không có chuyện du di được. Hiện, chúng tôi đã thành lập tổ kiểm tra rồi, chúng tôi vẫn đang làm rốt ráo có thông tin sẽ phản hồi lại báo chí sau…”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Trước đó, ông Võ Tuấn Khanh đã có báo cáo nhanh lên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước về vụ việc trên. Báo cáo này thừa nhận bán chiếc chuông nằm trong kho cho một cơ sở đúc đồng, nhưng không xin ý kiến của UBND huyện. Theo đó, tháng 5-2019, ông Khanh cho ý kiến dọn dẹp sạch sẽ, loại bỏ vật dụng hư hỏng, bán phế liệu sắt vụn và 1 chiếc chuông đồng. Toàn bộ số tiền bán được khoảng 6 triệu đồng, trong đó chuông đồng bán được 2,5 triệu đồng. Tiền toàn bộ đều được sung vào quỹ cơ quan. Ông Khanh khẳng định, không biết lai lịch chiếc chuông trong trong kho từ khi nào. Chuông cao 0,6m, đường kính 0,3m, nặng 17,8kg, đã cũ, móp, mẻ và không có trong danh mục tài sản của cơ quan. Chuông không có chữ Hán nổi, không phải là chuông cổ mà chỉ là chuông bình thường. |