Chiều 28-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải, kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 27-3, TPHCM ghi nhận 592.197 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 591.239 trường hợp mắc trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh.
Hiện, thành phố đang điều trị 3.657 bệnh nhân, trong đó có 329 trẻ em dưới 16 tuổi, 79 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 27-3, có 386 bệnh nhân nhập viện, 378 bệnh nhân xuất viện, 1 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 27-3 là 8.124.534 mũi 1, 7.366.021 mũi 2, 680.009 mũi bổ sung và 4.233.615 mũi nhắc lại.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, chiến dịch cao điểm bảo vệ người nguy cơ trên địa bàn thành phố được bắt đầu từ đầu tháng 3 và sẽ kết thúc vào 31-3. Đến ngày 22-3, thành phố ghi nhận 240.858 người thuộc nhóm nguy cơ cao trên 65 tuổi, có bệnh nền, trong đó đã thực hiện xét nghiệm, tầm soát 41.926 người, phát hiện 1.478 người mắc Covid-19 được điều trị kịp thời với Molnupiravir, tiêm phòng vaccine Covid-19 cho 2.893 người, trong đó 241 người tiêm mũi 1.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết, hiện nay mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo…. được sử dụng khá phổ biến và hữu ích trong giao tiếp và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khá nhiều như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đăng tải thông tin sai sự thật, buôn bán hàng giả, hàng cấm...
“Công an TPHCM phối hợp với Sở TT-TT TPHCM xác minh, xử lý nghiêm việc sử dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật, tung tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung phá án, đấu tranh các vụ việc có tính chất phức tạp”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ, Công an TPHCM cho biết, hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện. Thời gian qua, có một số vụ cháy nổ liên quan việc sạc điện cho các phương tiện này.
Đối với tầng hầm tòa nhà, chung cư cần phải yêu cầu tuyệt đối an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Do đó, việc lắp thêm trạm sạc, cổng sạc phải đảm bảo an toàn về điện, chống phòng chống cháy nổ và các giải pháp an toàn chống cháy lan.
Nếu làm thay đổi các giải pháp về PCCC đã được được thẩm duyệt thiết kế trước đó phải được lập hồ sơ thiết kế cải tạo bổ sung gửi đến cơ quan PCCC có thẩm quyền để thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu đảm bảo an toàn mới được đưa vào sử dụng.
Nếu khu vực ngoài trời, các trạm sạc đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC theo các quy định. Cảnh sát PCCC tham mưu Công an TPHCM tăng cường kiểm tra, giám sát việc này tại các cơ sở để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn phòng chống cháy nổ tại các trạm sạc, cổng sạc, đảm bảo an toàn cho các nơi, đặc biệt tại các tầng hầm.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký hết tháng 3 giữ ổn định giá cả và từ tháng 4 sẽ điều chỉnh giá, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, đầu tháng 4 cũng là thời điểm triển khai bình ổn thị trường mới năm 2022, nên việc điều chỉnh giá này do Sở Tài chính tiếp nhận và thực hiện. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Hiện nay, chủ yếu cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm 2022 đăng ký các mặt hàng và đăng ký giá. Theo ghi nhận của Sở Tài chính, hiện nay, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm 2022, đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu đăng ký giá mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm có xu hướng tăng so với mức giá hiện nay đăng ký từ năm 2021. Mức tăng tùy doanh nghiệp. Mặt hàng thịt gia súc, các doanh nghiệp đăng ký tăng 2-3 %; mặt hàng thịt gia cầm tăng 6-12%; mặt hàng trứng gia cầm tăng từ 6-8%. “Trên cơ sở đăng ký, các doanh nghiệp và các hồ sơ liên quan chi phí đầu vào, Sở Tài chính sẽ xem xét và có thống nhất. Ngày 29-3, Sở Tài chính sẽ họp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để thống nhất giá năm 2022”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin. |