Xử lý nghiêm việc gây mất vệ sinh môi trường

Trong các ý kiến về vấn đề vệ sinh và văn minh đô thị, nhiều bạn đọc đã góp ý về việc tăng cường các biện pháp quản lý, chăm sóc, chế tài của chính quyền, đồng thời nâng ý thức sống cộng đồng của cư dân. 
Kênh A41 (quận Tân Bình, TPHCM) luôn có rất nhiều rác thải sinh hoạt. Ảnh: THANH HẢI
Kênh A41 (quận Tân Bình, TPHCM) luôn có rất nhiều rác thải sinh hoạt. Ảnh: THANH HẢI

Chế tài bằng phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh

Đi trên đường phố TPHCM, vẫn thường thấy cảnh người bán hàng ăn thản nhiên đổ nước thải ra đường, gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị.

Một số điểm rửa xe máy cũng xả nước thải, dầu nhớt thải ra đường phố và hệ thống thoát nước mà không qua xử lý. Cũng có những người rất vô ý thức, sau khi quét dọn lại tấp rác xuống hố ga thoát nước.

Đi qua những chiếc cầu lớn nhỏ trong đô thị, thường thấy những người buôn bán đổ rác xuống lòng sông rạch. Du khách nước ngoài sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào khi chứng kiến những hành vi thiếu ý thức, gây mất vệ sinh môi trường đô thị như vậy. Không thể coi đây là chuyện nhỏ, cứ để tái diễn trong nhiều năm qua. 

Để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trong xã hội, việc tác động đến ý thức người dân là điều đầu tiên cần phải thực hiện. Nghị định 179/2013 đã quy định cụ thể về các hình thức, mức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền (tối đa 1 tỷ đồng/hành vi đối với cá nhân và 2 tỷ đồng/hành vi đối với tổ chức). Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung: tước giấy phép, giấy chứng nhận, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm; và còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, để hạn chế việc gây mất vệ sinh môi trường đô thị, cùng với việc nhắc nhở, tuyên truyền, cần nghiêm khắc áp dụng các biện pháp chế tài bằng các hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài ra, trước khi cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cần xem xét kỹ cơ sở đó phải bảo đảm yêu cầu về xử lý nước thải, chất thải trong quá trình hoạt động.

LÊ QUANG HUY (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)

Nâng chất lượng hoạt động giữ vệ sinh môi trường

Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết chương trình giảm ngập nước có kết quả nhất định trên một số tuyến đường nhưng còn thấp so với chỉ tiêu, và thiết tha đề nghị Ủy ban MTTQ TPHCM cùng HĐND TPHCM có một cuộc vận động, kêu gọi mỗi người dân làm cho TPHCM bớt ngập bằng việc làm của mình là không xả rác. 

Để giữ vệ sinh môi trường đô thị, cần phải dồn sức tập trung tuyên truyền vận động để cư dân nâng cao ý thức không xả rác bừa bãi. Đồng thời, có các biện pháp phù hợp và hiệu quả về mặt quản lý đô thị. Thực tế cho thấy việc đổ rác, xà bần nơi công cộng vẫn diễn ra, nhất là tại khu vực vắng người qua lại. Có người còn bít cả miệng cống thoát nước, khiến cho tình trạng ngập úng càng nặng hơn. Nạn ngập úng còn do các công trình xây dựng thường bơm xả nước có lẫn bùn đất xuống cống, làm hệ thống thoát nước bị nghẽn. Việc thu gom rác phân chia theo địa bàn hành chính, nên khu vực giáp ranh giữa các địa phương thường bị biến thành nơi đổ rác của cư dân. Hoạt động thu gom rác chưa thống nhất đầu mối, nên không thể biết hộ nào đóng tiền thu gom rác, hộ nào không, dẫn đến tình trạng có những hộ không đóng tiền thu gom rác, mà mang rác vứt bừa ra đường. 

Do vậy, cần có các giải pháp khắc phục cụ thể, như có chỗ để cư dân đổ rác, xà bần, buộc các hộ dân cư ngụ trên địa bàn đều phải đóng tiền đổ rác và có phiếu thu để làm chứng. Địa phương nào để có nhiều rác, xà bần đổ bừa bãi nơi công cộng, thì người đứng đầu phải bị trừ điểm thi đua. Ngoài ra, ngân sách nhà nước nên đầu tư trang thiết bị thu gom rác và nạo vét cống cơ giới thay cho việc công nhân phải lặn ngụp dưới lòng cống để thu gom rác như hiện nay, vừa kém năng suất vừa ảnh hưởng sức khỏe người lao động. 

KIM CHI (quận Phú Nhuận, TPHCM)

Khắc phục tình trạng đùn đẩy giữa các ngành chức năng

Ở nước ta, nhiều người vẫn còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, do vậy, nhiều nơi công cộng trở thành bãi rác sau lễ hội, thậm chí nơi nào có đám đông là ở đó có rác, kể cả một số sự kiện văn hóa - giáo dục như hội thao, hội sách… Công tác tuyên truyền ý thức không xả rác bừa bãi được thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được vấn nạn này. Xả rác bừa bãi nơi công cộng là điều bất thường ở các nước phát triển, nhưng lại là điều bình thường ở xứ ta. 

Trên đường phố và nơi công cộng ở Thái Lan luôn sạch sẽ, ít khi thấy rác. Nữ hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Ở đây, hành vi xả rác bị phạt nặng và còn bị buộc đi lao động công ích”. Chính do Thái Lan thực thi nghiêm như vậy, nên có nhiều người khi ở Việt Nam xả rác bừa bãi, nhưng khi du lịch Thái Lan đã không dám xả rác. Lâu nay, nhiều người thường lý giải vì ý thức còn kém mới xả rác bừa bãi.

Lý giải vậy chưa đủ, bởi ngoài ý thức cá nhân thì bản thân định chế xã hội là vô cùng quan trọng, đó là bộ máy quản lý và thực thi pháp luật xử lý vi phạm phải kịp thời và nghiêm minh. Tuyên truyền ý thức không xả rác là cần thiết và phải làm, nhưng sẽ không bao giờ đủ để ngăn chặn hành vi này nếu thiếu biện pháp cứng rắn để chế tài các vi phạm. Khi đã có chứng cứ, ghi hình từ camera, cơ quan chức năng hãy xử lý thật nghiêm những hành vi xả rác bừa bãi, bởi xử lý một người vi phạm sẽ cảnh tỉnh nhiều người khác. 

Cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt người vi phạm về vệ sinh môi trường, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể để khắc phục tình trạng đùn đẩy giữa các ngành chức năng liên quan. Nên giao công an địa phương làm lực lượng chủ lực, có đủ thẩm quyền xử lý tất cả mọi hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, bao gồm cả vi phạm về vệ sinh môi trường đô thị. 

TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục