Thứ nhất là xe hộ đê được cấp sai đối tượng, xe hộ đê thật nhưng không sử dụng đúng nhiệm vụ; thứ hai là xe hộ đê giả do các cá nhân chủ động làm giả.
Về xe hộ đê do Nhà nước cấp, theo đại diện Bộ NN-PTNT, hiện có 2 cơ quan được cấp biển xe hộ đê là Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và UBND các tỉnh ủy quyền cho một cơ quan trực thuộc, hầu hết là ủy quyền cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh.
Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai vừa cho biết, trong năm 2018, trung ương cấp 568 phù hiệu xe hộ đê, trong khi đó, các địa phương cấp tới 1.867 phù hiệu, chưa kể số phù hiệu đã cấp ở địa phương những năm trước đây chưa thể thống kê được. Một số tỉnh cấp phù hiệu hộ đê nhiều là Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định..., mỗi tỉnh đều trên 200 xe, riêng Hải Dương 250 xe.
Về xe hộ đê giả, theo phản ánh từ các đơn vị quản lý đường cao tốc, rất nhiều xe dùng phù hiệu hộ đê giả, hết hạn để qua trạm. Các phương tiện này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí bằng cách đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí song tới đầu ra lại đẩy lên phù hiệu hộ đê, không trả thẻ, gây thất thoát kép vừa tiền thu phí lẫn tiền thẻ (có giá hơn 200.000 đồng/chiếc).
Theo ước tính, mỗi năm các đơn vị thu phí bị mất khoảng gần 10.000 chiếc thẻ. Hiện Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi sang Bộ Công an đề nghị vào cuộc làm rõ việc có hay không hành vi trục lợi, mua bán, làm giả phù hiệu hộ đê.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật (Cục Cảnh sát giao thông), qua xác minh ban đầu, có dấu hiệu vi phạm về hành vi làm giả con dấu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức để lừa dối tổ chức, nhân dân trong giao dịch, cần phải xử lý hình sự. Hơn nữa, việc sử dụng phù hiệu hộ đê không đúng quy định trong Luật Giao thông đường bộ rất nguy hiểm. Đây là loại xe được quy định ưu tiên không chỉ dừng lại ở vấn đề trốn phí mà còn nhiều quyền ưu tiên khác khi tham gia giao thông như đi không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên...
Để ngăn chặn việc cấp phù hiệu không đúng quy định, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng cần phải rà soát lại quy định pháp lý về cấp phù hiệu xe hộ đê để cấp đúng đối tượng, đúng thời hạn, phạm vi hoạt động.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, đề nghị Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai sớm thống nhất với các địa phương gửi danh sách các xe được cấp phù hiệu hộ đê để Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát.