Xử lý nghiêm vì môi trường chung

Những tuần qua, trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng), tình trạng thực bì dưới tán rừng thông liên tục bị cháy ở hầu khắp phường, xã có rừng khiến cho cảnh quan, môi trường nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Mùa khô cộng với khói tỏa từ các đám cháy thực bì ngày này qua ngày khác càng khiến không khí nơi đây thêm phần ngột ngạt.

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo hỏa tốc dừng ngay việc xử lý thực bì mùa khô 2022-2023 trên địa bàn toàn tỉnh sau khi một số đơn vị chủ rừng thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, cảnh quan và môi trường. Động thái này được nhiều người dân ủng hộ, vì hoạt động xử lý lớp thực bì (chủ yếu là đốt bỏ) từ nhiều năm nay đã gây không ít tranh cãi: quá trình đốt thực bì trên diện rộng khiến cho các cây non bị thiêu rụi, thảm thực vật ở bề mặt sẽ bị phá hủy, nơi trú ngụ của các loài chim, động vật nhỏ cũng bị cuốn theo các ngọn lửa.

Tuy nhiên, như một “thói quen”, dù có lệnh cấm thì tình trạng thực bì bị cháy vẫn diễn ra liên tục. Phía các đơn vị chủ rừng cho rằng, nguyên nhân cháy do người đi rừng hút thuốc rồi vứt bỏ tàn, hoặc các hoạt động khác của du khách khi đi cắm trại vô tình đã gây cháy thực bì. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng có thể thấy, thực bì cháy từ đám rừng này qua khu rừng khác đều rất “hệ thống”, có kiểm soát và khá xa khu trung tâm thành phố. Vụ cháy thực bì tại đèo Prenn ngày 7-4 dường như là “tai nạn” khi đám cháy lan quá nhanh bởi được cộng hưởng gió lớn. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, ngọn lửa đã tác động đến hơn 10ha rừng thông bất chấp các nỗ lực dập lửa của hàng trăm người, đến ngày hôm sau vụ cháy tiếp tục lan thêm hơn 3ha.

Vụ cháy rừng ngày 7-4 có thể quan sát từ trung tâm TP Đà Lạt, cách hiện trường khoảng 10km. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Vụ cháy rừng ngày 7-4 có thể quan sát từ trung tâm TP Đà Lạt, cách hiện trường khoảng 10km. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp nêu rõ “Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng... hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt mức cao nhất từ 175 đến 200 triệu đồng đối với rừng phòng hộ có diện tích từ 2.700m2 đến dưới 3.000m2”. Đối với các vụ cháy rừng liên tiếp vừa xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt, nên chăng cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, thậm chí nếu đủ điều kiện thì khởi tố để điều tra làm rõ trách nhiệm những người có liên quan trước pháp luật.

TP Đà Lạt có độ che phủ rừng hơn 50% với hơn 20.000ha, rừng thông ở đây được ví như “di sản” của phố núi, vậy nên xử lý thực bì bằng các biện pháp không đốt được xem là giải pháp bảo vệ, phát triển rừng phù hợp, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, mang lại lợi ích về môi trường sống. Ngoài ra, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dọn thực bì không đốt và phòng chống cháy rừng phù hợp và hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục