Chỉ thị nhận định rõ tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không khách quan, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, DN, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mà nguyên nhân là do người đứng đầu chưa gương mẫu, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; chưa chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên; việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân chưa thực chất, còn hình thức; tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa làm hết trách nhiệm; chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, có nhiều kẽ hở; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số DN, người dân chưa tốt, còn tình trạng tiếp tay cho những hành vi sai trái của cán bộ, công chức, viên chức để được việc của mình...
Do vậy, để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Qua đó, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, DN.
Đặc biệt, đối với cán bộ sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu DN, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá một lần; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và DN; phải công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, DN; đồng thời công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan. Tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến...).
Bên cạnh hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân tố cáo tham nhũng, Chỉ thị 10/CT-TTg cũng yêu cầu phải công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử. Cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước. Không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, DN đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.