Toàn cảnh đầm Đông Hồ. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ngày 3-11, ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên đã chủ trì buổi làm việc thông tin với các cơ quan báo chí về tình hình hàng chục hộ dân bao chiếm khu vực đầm Đông Hồ.
Nhiều người dân sinh sống lâu năm ven đầm Đông Hồ phản ánh, từ xưa tới nay, bà con sinh sống dựa vào đánh bắt cá tự nhiên trong đầm. Nhưng gần đây, một số người đã lấn chiếm đất để trồng dừa nước. Ban đầu, họ trồng cây rồi chuyển sang đắp đập làm vuông nuôi hải sản. Từ đó, đất nhà nước thành đất của họ.
“Trước đây, chỉ có vài chục hộ sinh sống, hiện nay đã lên mấy trăm hộ sinh sống trong đầm. Một số người bao chiếm đất này nói là bao vuông để nuôi hải sản nhưng thực tế là họ "xí phần" chờ dự án để được bồi thường. Về việc này, tôi đã phản ánh với ngành chức năng của thành phố Hà Tiên rất nhiều lần”, ông H. – nhà ở ven đầm bức xúc.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Hà Tiên, hiện hơn 1.300ha đầm Đông Hồ thuộc hai phường Đông Hồ và Tô Châu gần như bị người dân bao chiếm hết. Tình trạng này xảy ra cao điểm từ năm 2018 đến nay nhưng chính quyền chưa xử lý, chưa cưỡng chế được ai, mà chỉ lập biên bản hiện trạng. Đáng chú ý, có 2 người bao chiếm đất nhiều là ông U. chiếm khoảng 126ha và ông L. chiếm 26ha.
Ông Nguyễn Đức Chín khẳng định đã nắm được tình hình và đã yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp Công an TP Hà Tiên, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND 2 phường Đông Hồ, Tô Châu khẩn trương triển khai thực hiện việc đo đạc, kiểm tra đối với các trường hợp lấn, chiếm đất đai tại khu vực đầm Đông Hồ theo đúng tiến độ đã đề ra; tham mưu xử lý các trường hợp sai phạm.
Đồng thời, giao UBND phường Đông Hồ tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý các trường hợp mới lấn, chiếm đất tại khu vực đầm Đông Hồ; khẩn trương thành lập các đội tuần tra tăng cường kiểm tra khu vực đầm Đông Hồ để kịp thời ngăn chặn các hành vi lấn, chiếm đất của người dân.
Đầm Đông Hồ lung linh ánh đèn phố thị Hà Tiên về đêm. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, do đầm Đông Hồ vượt quá thẩm quyền xử lý của TP Hà Tiên, nên UBND tỉnh Kiên Giang vừa giao sở này chủ trì lên phương án xử lý.
“Hiện tại, chưa có quy hoạch cụ thể khu vực đầm, do đó tới đây sẽ phân định khu vực nào bảo tồn, khu vực nào là di tích cảnh quan, khu vực nào có thể giao mặt nước biển để phát triển kinh tế. Phải có quy hoạch cụ thể thì mới bảo tồn lâu dài được. Còn quan điểm nhất quán của tỉnh là các trường hợp lấn chiếm sẽ xử lý nghiêm”, ông Phùng Quốc Bình nói.