Cuối buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thay mặt Chính phủ giải trình lại một số vấn đề ĐBQH nêu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kể từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ đó đã thúc đẩy sự phát triển hệ thống đô thị của cả nước (cả nước hiện có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đạt 38% năm 2018, bình quân trên 1%/năm, riêng Hà Nội, TPHCM đạt trên 3%/năm).
Đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (Kinh tế đô thị chiếm 70-80% tổng quy mô nền kinh tế. Riêng TPHCM và Hà Nội, GRDP năm 2018 đạt 2,4 triệu tỷ, chiếm 40% GDP cả nước).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sử dụng đất đai, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức như trong báo cáo giám sát và ý kiến nhiều ĐBQH đã nêu.
Xu hướng tập trung hóa đô thị ngày càng gia tăng (do người dân tập trung về các đô thị để tìm kiếm việc làm và tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn), đặc biệt là tại các đô thị lớn (như HN, TPHCM – mỗi năm tăng khoảng 200 ngàn người/TP, 5 năm tăng 1 triệu người) đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất tại đô thị.
Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, nên đã dẫn đến quá tải về hạ tầng ở các đô thị lớn (hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ…). Việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vùng, đô thị vệ tinh còn thiếu nguồn lực và chậm, do đó đã giảm sự hấp dẫn của các đô thị này, từ đó giảm sự chia sẻ đối với các đô thị lớn.
Cơ cấu sử dụng đất tại các đô thị còn chưa phù hợp. Cơ cấu nhà ở tại các đô thị còn nhiều bất cập, còn nặng về nhà ở thương mại, phù hợp với người có thu nhập khá, trong khi còn thiếu nhiều nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.
“Đặc biệt là tình trạng sử dụng đất đai còn lãng phí, còn thất thoát (có nơi rất nghiêm trọng) đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai đô thị, gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư còn nhiều bất cập, dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng vừa còn những khoảng trống, vừa chồng chéo, thiếu đồng bộ đẫn tới khó khăn trong thực hiện.
Công tác lập quy hoạch một số nơi còn chậm so với yêu cầu phát triển, dẫn đến khi có quy hoạch mới và thực hiện quy hoạch phải tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn, gây lãng phí nguồn lực xã hội, tạo ra những “con đường đắt nhất hành tinh”. Chất lượng quy hoạch còn thấp, nhưng công tác điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch còn chậm được thực hiện, từ đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất đai tại đô thị…
Theo Phó Thủ tướng, dư luận rất bức xúc tình trạng nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhằm tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, tăng mật độ dân cư, giảm không gian công cộng, tạo ra những khu nhà ở chật chội, thiếu an toàn, chỉ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho cộng đồng, người dân và nhà nước. Vấn đề này cần được chấn chỉnh kịp thời.
Song song đó, việc đầu tư phát triển đô thị (trong đó có phát triển các đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ…) mới chỉ tuân thủ quy hoạch, chưa có kế hoạch đã dẫn đến đầu tư phát triển theo phong trào ở nhiều nơi, không phù hợp với nhu cầu và khả năng cung cấp nguồn lực làm lệch pha cung cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, là nguyên nhân gây ra những dự án treo, đất bỏ hoang, làm lãng phí nguồn lực nhà nước.
Tình trạng xây dựng trái phép, không phép, xây dựng vượt tầng cao, vượt quy chuẩn quy hoạch… diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, việc xác định giá đất trong các dự án đầu tư xây dựng đô thị, xác định giá trị quyền sử dụng đất tại doanh nghiệp trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn thiếu công khai, minh bạch, chưa sát với giá thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng.
Cùng với đó, tập trung vào công tác quy hoạch. Công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết tham gia giám sát. Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch.
“Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Chính phủ sẽ lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch; Kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.
Chính phủ cũng xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho nhà nước. Rà soát các công trình sử dụng nhiều đất đai để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai.
“Chính phủ quan điểm xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật đất đai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.