Khó khăn trong quản lý, giáo dục
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho biết số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố gia tăng liên tục. Số người nghiện ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng tăng, cho thấy tình hình tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp.
Tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM có hồ sơ quản lý là hơn 25.100 người (tăng 1.600 người so với cuối năm 2018). Tổng số người nghiện ma túy đang quản lý tại 16 cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện tự nguyện là 13.000 người (tăng gần 1.200 người); trong đó, 82% là sử dụng ma túy tổng hợp.
Sự gia tăng người nghiện ma túy đã khiến một số cơ sở xã hội quá tải cục bộ. Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 - là 2 cơ sở xã hội làm nhiệm vụ tiếp nhận ban đầu người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định để cắt cơn, giải độc trong khi tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, luôn có trên 2.000 người/cơ sở.
Tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, Giám đốc Trương Văn Hậu cho biết, trong năm 2019, cơ sở tiếp nhận hơn 8.200 lượt người nghiện ma túy. Trong đó, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định lên đến 6.200 người; người nghiện ma túy tổng hợp dao động trong tỷ lệ 80% - 90%. Tình trạng này khiến Cơ sở xã hội Nhị Xuân gặp nhiều khó khăn trong khâu cắt cơn, giải độc.
Ông Trương Văn Hậu cho hay, số người nghiện ma túy loạn thần mà đơn vị đang quản lý ngày càng tăng. Trong khi đó, đơn vị không có chức năng điều trị người bị loạn thần, không có nhân sự có chuyên môn chuyên khoa về điều trị tâm thần. “Đề nghị TPHCM cần bố trí một đơn vị có chuyên môn để chuyên quản lý đối tượng này thì sẽ phù hợp hơn”, Giám đốc Cơ sở xã hội Nhị Xuân đề nghị.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa, nơi đang quản lý hơn 600 học viên nữ, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc cơ sở, cho biết tỷ lệ sử dụng ma túy đá lên đến 82%, tỷ lệ người nghiện ma túy có tiền án tiền sự chiếm tới 45%. Tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá cũng trên 80%, gây nhiều khó khăn cho quản lý, giáo dục.
Đề nghị xử lý hình sự người nghiện “chuyên nghiệp”
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, có nhiều nguyên nhân dẫn tới “bão” ma túy: trình độ nhận thức của một bộ phận xã hội không theo kịp đà phát triển kinh tế; sự thay đổi của xã hội làm không ít người, không ít gia đình đã bị mất phương hướng, lâm vào khủng hoảng bởi mất cân bằng, lo chạy theo kinh tế vì thế thiếu quan tâm đến con cái.
Mặt khác, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng ít nhiều bị biến đổi, xói mòn. Một nguyên nhân xã hội khác là việc tôn trọng và thực thi pháp luật chưa được nghiêm túc, chưa huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến với ma túy. Những nguyên nhân xã hội nêu trên đã làm cho đội ngũ những người nghiện ngày càng đông hơn và trẻ hơn.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cảnh báo, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp cho rằng “chơi đá” thì không nghiện và trên thực tế, hội chứng cai với người sử dụng ma túy tổng hợp cũng không rõ ràng. Vì thế, đến khi họ nhận ra thì đã quá muộn, não bộ bị tổn thương nặng, nhiều người bị loạn thần và việc cai nghiện ma túy tổng hợp rất khó khăn. |
Trước tình hình người nghiện ngày càng trẻ hóa (2/3 người nghiện ma túy dưới 35 tuổi), tỷ lệ người có tiền án tiền sự tăng (chiếm 42% - 45%), TPHCM đã nỗ lực cai nghiện cho người nghiện ma túy. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, không ít trường hợp tái nghiện, cố tình sử dụng ma túy.
Ông Lê Minh Tấn đề nghị, đối với trường hợp tòa án đã có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, đi cai nghiện nhiều lần và vẫn tái nghiện thì cần xử lý hình sự các đối tượng này. Cần sửa Luật phòng, chống ma túy và Bộ luật Hình sự có thêm tội danh về “sử dụng trái phép chất ma túy”.
“Ma túy đã là chất cấm. Nhưng không ít người cứ cố tình tìm mua rồi cố tình sử dụng trái phép. Sử dụng một lần, lầm đường lạc lối, thì có thể “đổ tội” cho người bán dụ dỗ. Còn cố tình tìm mua ma túy nhiều lần, nghiện đi nghiện lại thì không thể mãi coi họ là nạn nhân. TPHCM cần xử lý hình sự nhóm đối tượng này - đã cai nghiện bắt buộc từ 3 lần trở lên (chiếm khoảng 10% tổng số người nghiện ma túy), như nhiều nước trên thế giới đã xử lý”, ông Lê Minh Tấn phân tích.