Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để giữ uy tín cho ngành yến Việt Nam

Ngày 12-4, tại buổi tọa đàm về ngành yến sào do báo Pháp luật TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát các sản phẩm mang danh “yến sào” nhưng thực chất là hàng nhái.

Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để giữ uy tín cho ngành yến Việt Nam

Nhiều sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng hoặc pha chế từ các chất phụ gia không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Đáng lo ngại hơn, một số sản phẩm nước yến đóng lon, đóng lọ còn làm giả mẫu mã và tên gọi của những thương hiệu uy tín như Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Sanvinest… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

"Chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện hơn 30 đơn vị có hành vi sử dụng tên gọi, thành phần và hình ảnh sản phẩm tương tự hoặc sao chép thương hiệu của công ty. Nhiều website giả mạo có chứa cụm từ "yensaokhanhhoa" cũng đã được phát hiện", ông Nguyễn Thanh Hải thông tin.

IMG_20250412_090137.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát của các sản phẩm mang danh “yến sào”, nhưng không rõ nguồn gốc

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm các kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử đã trở thành điểm nóng phân phối hàng kém chất lượng. Do việc xác thực người bán còn lỏng lẻo, nhiều người tiêu dùng đã mua phải sản phẩm giả mạo, không có giá trị dinh dưỡng.

“Chúng tôi rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm yến sào. Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn sản phẩm. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững uy tín của ngành yến Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Thanh Hải đề xuất.

z6497010857248_47b26182b6b1203a233e0cd7f45dfe91.jpg
Sản phẩm yến sào Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TPHCM) đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm

Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM cho biết, tổng sản lượng yến sào Việt Nam hiện ước đạt giá trị 500 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển rất lớn của nghề nuôi chim yến tại nước ta, một ngành mang lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay sản phẩm tổ yến chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thu về chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu và áp dụng tiêu chuẩn sản phẩm còn chưa được chú trọng đúng mức.

Ngành chăn nuôi yến Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, hiện còn nhiều cơ sở nuôi yến hoạt động tự phát, không tuân thủ quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và phòng chống dịch bệnh. Một số vấn đề pháp lý liên quan đến nuôi chim yến nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Chăn nuôi, Luật Đất đai, và các quy định về môi trường. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng và thực thi.

z6496990282932_e6da755b3295dc80883adf8e82bcdf64.jpg
Một cơ sở chế biến yến sào tại huyện Cần Giờ (TPHCM)

Luật Chăn nuôi yêu cầu các địa phương xác nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các nhà yến. Tuy nhiên, việc thực hiện thường gặp vướng mắc do thiếu hướng dẫn cụ thể và sự chưa thống nhất giữa các quy định liên quan. Hơn nữa, ngành nuôi yến hiện thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, làm giảm hiệu quả kinh tế chung.

z6497034788105_ceff542c03fddb8feeb0dac0610ffa4e.jpg
Công nhân đang đóng gói sản phẩm sữa chua Khô tổ yến thật tại nhà máy của Công ty CP Yến sào Nha Trang

Từ những thách thức nêu trên, TS Trần Quang Thắng đề xuất cần quy hoạch các vùng nuôi chim yến tập trung nhằm quản lý tốt hơn và hạn chế tình trạng nuôi tự phát. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có hướng dẫn, chỉ đạo các sở nông nghiệp và môi trường thống nhất ban hành quy trình cấp phép và công nhận cơ sở chăn nuôi chim yến là công trình xây dựng khác trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, bởi Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có quy định rõ về vùng nuôi chim yến. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến sào, giúp tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

20250412_093909.jpg
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Hữu Hoài Phú nêu những tiềm năng của nghề nuôi yến trên địa bàn thành phố

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM, cho hay từ những ý kiến được chia sẻ tại tọa đàm sẽ có nhiều sáng kiến được ghi nhận, nhiều kiến nghị được cụ thể hóa để hình thành cơ chế pháp lý rõ ràng hơn, đồng bộ hơn, hướng đến một ngành nuôi yến chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.

Tin cùng chuyên mục