Những mặt hàng rao bán phổ biến là các toa thuốc điều trị Covid-19, que test nhanh Covid-19, máy đo nồng độ oxy, cồn xịt khuẩn… Hầu hết trong số đó không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngay khi Bộ Y tế đưa ra toa thuốc, phác đồ hướng dẫn cho những bệnh nhân F0 nhẹ đang điều trị tại nhà, nhiều đối tượng cũng đã tranh thủ thu gom tích trữ từng loại theo hướng dẫn trên toa để rao bán, trục lợi bất chính. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn mạo danh là các y bác sĩ đang làm việc ở một số bệnh viện lớn, hoặc dược sĩ đứng ra tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cách chữa trị tại nhà, rồi sau đó lợi dụng để rao bán thuốc với giá cao gấp nhiều lần so với bình thường. Thậm chí có túi thuốc được rao bán với giá hơn 3 triệu đồng cho 10 ngày uống (gồm Paracetamol, Acetylcrystein, Beroca, Aceclovir, Vitamin A/D, nước muối). Theo một số dược sĩ có kinh nghiệm, toa thuốc nêu trên sai hoàn toàn với phác đồ điều trị Covivd-19 của Bộ Y tế đưa ra, và giá bán ngoài thị trường chưa tới 400.000 đồng. Nếu sử dụng không đúng cách còn gây ra nhiều tác dụng phụ, nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Hiện nay, bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ, không triệu chứng đang được ưu tiên tự cách ly và điều trị tại nhà để giảm áp lực cho ngành y tế. Nhiều người do thiếu cập nhật thông tin nên đã tin tưởng, đặt mua các loại thuốc trôi nổi trên mạng về tự chữa trị dẫn đến mất tiền oan, thậm chí còn khiến cho tiến triển bệnh nặng hơn. Việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 cần có sự hướng dẫn, tư vấn từ đội ngũ y tế hoặc những người chuyên môn, không thể dùng toa thuốc của người này để sử dụng cho người khác. Do vậy, người dân nên cảnh giác, không nghe theo những lời quảng cáo, mua các loại thuốc trôi nổi, không có cơ sở khoa học rao bán trên mạng. Khi phát hiện bị nhiễm Covid-19, nên thông báo cho cơ sở y tế tại địa phương, hoặc các tổ y tế lưu động để được nhận túi thuốc và hướng dẫn sử dụng an toàn, theo đúng chỉ định. Đồng thời, lực lượng chức năng cần sớm rà soát các đối tượng có hành vi bán thuốc trục lợi để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.