>> Cấm trong trường, nở rộ dạy thêm ngoài trường
>> Năm học mới 2016-2017: TPHCM chấm dứt học thêm, dạy thêm và chạy trường
>> Cho con học thêm, phụ huynh cũng khổ lắm!
(SGGPO).- Sáng nay 31-8, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - cho biết, Sở sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm trong trường.
Sở không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường; giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc; ngừng cấp phép mới hoạt động dạy thêm trong nhà trường, nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý dạy thêm của giáo viên, nếu để xảy ra tình trạng giáo viên ép học sinh tham gia học thêm, hiệu trưởng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm…
Hình ảnh quen thuộc tại cổng trường sau giờ học thêm những năm học trước đây
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, khái niệm “dạy thêm, học thêm trong nhà trường” cần định nghĩa lại cho đúng là tất cả hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong đó, có 3 hình thức dạy thêm, học thêm đang phổ biến hiện nay bao gồm: học ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh), tin học, năng khiếu, các tiết học kỹ năng sống, học ngoại khóa bên ngoài để mở rộng kiến thức về lịch sử, địa lý; dạng thứ hai là các tiết thực hành, làm bài tập ngoài giờ chính khóa do thời lượng học trên lớp không đủ thời gian cho học sinh luyện tập, bổ sung thêm kiến thức và cuối cùng là hình thức nhà trường liên kết với các đơn vị tư nhân vào trường mở lớp dạy thêm, học thêm.
Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT TP, hiện nay có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20% tổng số học sinh tiểu học toàn TP) đang học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa. Tỉ lệ này tăng nhẹ đối với hai bậc THCS và THPT với 190.000 học sinh học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh học tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường (chiếm tỉ lệ 35% học sinh trung học của TP). Trong đó, chiếm đa số các trường hợp xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh và giáo viên, chỉ có chưa đến 10% trường hợp dạy thêm, học thêm do biến tướng, bị giáo viên ép buộc.
Theo quy định phân cấp quản lý của TP, Sở GD-ĐT đã cấp phép cho 82 đơn vị trường THPT, trung tâm GDTX dạy thêm trong nhà trường với khoảng 80.000 học sinh đang theo học, đồng thời cũng cấp phép cho 34 cá nhân và tổ chức khác dạy thêm ngoài nhà trường với khoảng 20.000 học sinh. Đối với bậc THCS, UBND các quận, huyện, tính đến cuối năm học 2015-2016 đã cấp phép cho 106 đơn vị dạy thêm trong nhà trường và 47 cá nhân, tổ chức được dạy thêm ngoài nhà trường với hơn 120.000 học sinh đang theo học. Mặc dù số lượng đơn vị được cấp phép khá lớn nhưng năm học qua, TPHCM mới phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm ở mức phê bình, kiểm điểm và không xem xét thi đua đối với giáo viên vi phạm.
Phản ánh với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, nhiều lãnh đạo trường THPT tham gia cuộc họp cho rằng, việc cấm dạy thêm trong trường sẽ gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, học sinh.
Riêng đối với học sinh ở các huyện ngoại thành, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) bày tỏ: Nếu không cho phép DT, HT trong nhà trường, học sinh ở Bình Chánh phải lên các quận 11, quận 6 học thêm. Chưa nói đến những khó khăn về khoảng cách địa lý, an toàn đi lại và quản lý giờ giấc của học sinh, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con học thêm tại các trung tâm với học phí lên đến hàng triệu đồng. Do đó, quy định không cho phép DT, HT trong nhà trường vô tình đã gây thiệt thòi cho những học sinh nghèo, học sinh ở các trường ngoại thành, không có điều kiện học thêm như ở nội thành. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của học sinh ngoại thành hiện nay vẫn ở mức thấp, với phân bổ nội dung chương trình hiện nay khá nặng, thời lượng trên lớp không đủ cho giáo viên truyền tải hết nội dung kiến thức, nếu không cho phép DT, HT trong trường sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập của học sinh. Đồng quan điểm, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) trăn trở: “Cái “được” lớn nhất của quy định này là TP sẽ giảm nhiều tiêu cực của DT, HT trong xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, học sinh TPHCM vẫn tham gia các kỳ thi “hai chung”, “ba chung” với học sinh các tỉnh, thành khác sẽ dẫn đến tình trạng học sinh TP thiệt thòi hơn học sinh các tỉnh bạn, vốn được phép DT, HT trong nhà trường”.
Mặt khác, trong điều kiện TPHCM hiện nay chưa thể giảm sĩ số học sinh/lớp và chủ trương nâng cao tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần thực hiện quy định không cho phép DT, HT trong trường theo lộ trình, làm sao để vừa không ảnh hưởng chất lượng học tập, bồi dưỡng học sinh giỏi của các trường vừa có giải pháp thay thế tăng thêm thu nhập, đảm bảo đời sống cho giáo viên.
Mai Quân - Thu Tâm