Ngay sau đó, 2 thí sinh trên đã bị đình chỉ thi; các cán bộ coi thi liên quan cũng tạm dừng nhiệm vụ. Bộ GD-ĐT khẳng định, sự việc trên không ảnh hưởng đến kỳ thi vì theo kết quả xác minh, đây là hành vi sai phạm của cá nhân và hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi.
Dù vậy, sự việc vẫn gây bức xúc không nhỏ, bởi năm nào cũng có vấn đề về lọt đề thi ra ngoài, mà nếu không ngăn chặn kịp thời việc phát tán, hậu quả rất lớn, gây mất lòng tin của xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đã thừa nhận, kỳ thi năm nay thành công nhưng vẫn có những hạn chế, rõ nhất là các thí sinh sử dụng điện thoại di động, nguy cơ phán tán đề thi ra ngoài vẫn hiện hữu.
Nói một cách công bằng, kỳ thi lớn, với cả triệu thí sinh tham gia, việc xảy ra những tình huống phát sinh là khó tránh. Nhưng không thể nghĩ thế để chấp nhận những sơ suất như trên tái diễn. Vấn đề là phải có giải pháp đủ mạnh, căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an, cho biết tại họp báo chiều qua của Bộ GD-ĐT: Trước khi diễn ra kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá 90 cá nhân ở 28 địa phương mua bán, thuê, sử dụng thiết bị công nghệ cao để sử dụng trong gian lận thi cử.
Với “thị trường” như vậy, gian lận bằng thiết bị công nghệ cao chắc chắn còn diễn ra. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền cho thí sinh để hạn chế việc sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận, nhưng cũng phải mạnh tay xử lý nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội làm lộ bí mật nhà nước, bởi phải xử lý mạnh thì mới đủ sức răn đe. Song song đó là tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ coi thi; kể cả việc sử dụng thiết bị để phát hiện các gian lận tinh vi khác.