Trước lo ngại của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm, có tính chất răn đe đối với tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng.
Đây là một nội dung được nêu rõ trong công tác dân nguyện tháng 3-2024, được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp sáng 16-4.
Cùng với đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 3, tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TPHCM, các cơ quan chức năng đã tiếp 246 lượt với 475 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 246 vụ việc và có 3 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 2, tăng 62 lượt công dân và 62 vụ việc, giảm 3 lượt đoàn đông người.
Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng nhiều đoàn di chuyển đến các cơ quan Trung ương ở Hà Nội và TPHCM để khiếu kiện, gây phức tạp về an ninh trật tự. Nội dung khiếu kiện hầu hết liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là tình trạng chậm tiến độ của các dự án đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái, khu dân cư; vi phạm trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, đô thị, lao động - việc làm… Trong các vụ việc này nổi lên 15 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Được mời phát biểu, Phó trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng nhận định, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vụ Ngân hàng SCB, Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, số đoàn đông người giảm là do có sự chuẩn bị, phối hợp tốt của các cơ quan chức năng với địa phương…
Thời gian tới, Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương: Hà Nội, Bình Phước, Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đồng Nai khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.
Với 15 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, UBND các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế được đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo kết quả giải quyết đến UBTVQH.