Đáng báo động, thuốc lá đang gây ra những tác hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng, cùng với đó là những ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, kinh tế - xã hội.
Đây là những thông tin cảnh báo được Bộ Y tế đưa ra tại lễ mít tinh Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31-5-2018) với chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn - “Thuốc lá và bệnh tim mạch” nhằm kêu gọi toàn thể cộng đồng có những hành động kịp thời, hiệu quả để làm giảm nguy cơ mắc, tử vong do các bệnh tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Theo cảnh báo của WHO, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới hàng triệu người tử vong do đau tim và đột quỵ. Thống kê cho thấy, mỗi năm thế giới có tới hơn 7 triệu người tử vong do hút thuốc lá, trong đó xấp xỉ 9 vạn người thiệt mạng là do hút thuốc lá thụ động. WHO cũng cảnh báo nguyên nhân dẫn tới hơn 40% trong số các trường hợp tử vong nêu trên (khoảng 3 triệu người) là do các bệnh về tim mạch, đau tim và đột quỵ gây ra.
Các nghiên cứu cho thấy thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có hắc ín và các hóa chất khác có thể làm hẹp động mạch và làm vỡ mạch máu, trong khi chất nicotin có liên quan và ảnh hưởng tới huyết áp cao và khiến nhịp tim đập nhanh. Đồng thời, hút thuốc lá thải ra các khí độc hại như carbon monoxide, thay thế ôxy trong máu, do vậy làm giảm hàm lượng ôxy cần để cung cấp cho cơ tim hoạt động. WHO cho biết, trong số gần 18 triệu người tử vong do bệnh tim mạch trên toàn thế giới mỗi năm, gần 17% trong số này do hút thuốc lá.
Sự độc hại và nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe con người là rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi nhưng thực tế số người nhận thức được rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch còn rất hạn chế. Hầu hết mọi người biết rằng hút thuốc lá gây ra ung thư và các bệnh về phổi, nhưng ít người biết về hút thuốc lá cũng gây ra bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Trong khi đó tại Việt Nam, hiện có khoảng 16 triệu nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, cùng với đó là không ít phụ nữ và nhiều bạn trẻ ở tuổi vị thành niên, thậm chí là thiếu niên cũng hút thuốc lá. Thuốc lá ở nước ta vẫn đang được bán tràn lan, bất kể ai, thậm chí trẻ nhỏ cũng có thể dễ dàng mua được ở nơi công cộng, các hàng quán, địa điểm vui chơi.
Hơn nữa, do mức thuế thấp, giá bán quá rẻ và không kiểm soát chặt các điều kiện cần thiết về kinh doanh thuốc lá đã khiến việc tiếp cận và sử dụng thuốc lá không đâu dễ dàng như ở nước ta. Cùng với đó, việc giám sát và xử phạt hành vi hút thuốc ở những nơi công cộng, nơi có biển cấm hút thuốc... chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực trạng hút thuốc tràn lan đang khiến cho chúng ta phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như: ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài việc mỗi năm phải chi ra khoảng 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá thì chúng ta cũng tiêu tốn tới 23.000 tỷ đồng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Do đó, WHO kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và cộng đồng cần đẩy mạnh thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Trong đó, giải pháp hàng đầu là cần tăng thuế thuốc lá, siết chặt việc kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi thuốc lá, tổ chức giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp hút thuốc nơi công cộng, nhằm làm giảm số người hút thuốc lá, góp phần đảm bảo cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn.