Trước khi khép lại diễn đàn chủ đề này, Báo SGGP giới thiệu bài viết của bạn đọc Tương Quan, có ý nghĩa bao quát các ý kiến về vấn đề này.
Chưa nhận thức bạo hành gia đình là phạm pháp
Xem xét kỹ những vụ án mạng do mâu thuẫn vợ chồng trong thời gian gần đây sẽ thấy ít nhiều xuất phát từ những mầm mống bạo lực gia đình nhưng đã không được giải quyết tận gốc. Có nhiều trường hợp đối tượng bạo hành đã bị nhắc nhở, xử phạt hành chính, nhưng không đủ tác dụng răn đe.
Điểm mấu chốt của các vụ bạo lực gia đình là do người ta bất lực, không tìm kiếm được hướng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống gia đình mà người ta cảm thấy là mâu thuẫn. Những kẻ hung hãn sẽ dùng nắm đấm và hung khí làm cách giải quyết vấn đề.
Tại sao những người phụ nữ bị bạo hành cứ mãi im lặng chịu đựng như vậy? Thực ra họ cũng muốn hoặc đã từng đi tìm đường cứu chính cuộc đời của họ, nhưng do không thể tự lập, sống phụ thuộc, cuộc đời không cho họ nhiều con đường để đi. Con cái cũng là mấu chốt mà nhiều người phụ nữ bị bạo hành không thể gỡ bỏ để giải thoát cho mình.
Ngoài ra còn do những định kiến bao đời đang trói buộc họ, theo đó, người phụ nữ phải biết nhẫn nhịn, hy sinh, phải chăm lo cho chồng con. Vì vậy, cha mẹ biết con gái bị chồng hà hiếp, đánh đập, vẫn khuyên con nín nhịn, chịu đựng. Có những người phụ nữ bị chồng bạo hành cũng chỉ tự trách tại mình không chu toàn. Hàng xóm thấy hành vi bạo lực gia đình cũng không can thiệp.
Thậm chí có những cán bộ đoàn thể, chính quyền, công an, tòa án khi giải quyết các vụ bạo lực gia đình cũng cố hòa giải cho bằng được, do tâm lý muốn giúp cứu vãn cuộc hôn nhân, chứ không quyết liệt xử lý kẻ bạo hành.
Không thể dung túng cho hành vi tội phạm
Tuần qua, trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc chia sẻ một đoạn clip ghi lại sự việc một phụ nữ bị người chồng hờ hành hung rất tàn nhẫn trong thang máy tại chung cư Trung Đông Plaza (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM). Vậy mà nạn nhân không dám phản kháng, tránh đòn, chỉ đứng yên chịu đựng.
Khi công an địa phương vào cuộc, người phụ nữ ấy cũng không yêu cầu xử lý người đánh mình, do vậy công an chỉ xử phạt hành chính người đàn ông côn đồ đó về hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Thật đáng buồn khi từ kẻ có hành vi bạo hành đến người bị bạo hành đều chưa nhận thức bạo hành gia đình là hành vi phạm pháp.
Thực trạng là vậy, mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng 12 năm qua các vụ bạo lực gia đình được điều tra truy tố, xét xử còn rất ít. Do các hành vi bạo hành xảy ra trong nội bộ gia đình; nạn nhân bị chi phối bởi rào cản về đạo đức, tình cảm gia đình nên thường chọn giải pháp im lặng, không tố cáo, vì vậy các hành vi bạo lực gia đình thường không bị phát hiện kịp thời và ít được xử lý ở cấp cơ sở. Không ít vụ bạo lực gia đình rất quá đáng nhưng hình phạt còn quá nhẹ, nên không đủ phòng ngừa, răn đe. Thực tế cho thấy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định các hành vi bạo lực còn quá chung chung và không đầy đủ.
Bên cạnh việc xây dựng mối quan hệ nam nữ bình đẳng, tuyên truyền nâng cao ý thức tôn trọng phụ nữ, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, cần phải xử phạt nghiêm minh bằng những chế tài thích đáng hơn nữa, kiên quyết xử lý hình sự thói côn đồ, bạo hành vợ con, mới mong ngăn chặn được vấn nạn bạo lực gia đình đang tràn lan như hiện nay.