Điều 52 Luật Viên chức và Điều 9 Nghị định 27/2012 quy định việc xử lý kỷ luật viên chức như sau: Viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức (đối với viên chức quản lý), buộc thôi việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.
Cụ thể, với hành vi “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp” và hành vi “không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng” sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.
Nếu các hành vi ấy gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo. Hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp” nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, cũng bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Cô giáo ở Hải Phòng bị kỷ luật vì bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng
Mức phạt cao nhất là buộc thôi việc sẽ áp dụng với hành vi “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, việc đánh giá hành vi như thế nào là vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng lại chưa có hướng dẫn cụ thể của pháp luật, nên điều này phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của những người xem xét xử lý kỷ luật.
Trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường sẽ lập Hội đồng kỷ luật theo quy định của pháp luật để xét và đề nghị xử lý kỷ luật đối với viên chức theo từng vụ việc.
Trong thời hạn xử lý kỷ luật, nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể tạm đình chỉ công tác đối với viên chức.
Thời gian tạm đình chỉ không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ.
Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, viên chức vi phạm còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với hành vi vi phạm của giáo viên không phải là viên chức thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Ví dụ, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học, có thể bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng (Khoản 2, Điều 21).
Hành vi này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giảng dạy 1 - 6 tháng.
Dẫn chiếu quy định của pháp luật đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục gần đây, những hành vi mang tính chất hành động có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người học, hoặc xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của họ, có cơ sở để áp dụng chế tài nêu tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định 138 nêu trên.