Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Công ước này quy định các quốc gia thành viên công nhận rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ, quyền được hưởng lợi ích pháp luật một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa người khuyết tật và những người khác.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ “Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (khoản 1 Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010). Người khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, không có sự phân biệt giữa người khuyết tật và người khác.
Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó”.
Chính vì vậy, người nào thể hiện thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng với người khuyết tật, hoặc có những hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó sẽ vi phạm quy định của Luật Người khuyết tật trong việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng với những người này.
Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP (quy định chế tài với những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật) quy định, mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
Mặc dù cơ sở pháp lý đã quy định rất rõ và đầy đủ về quyền của người khuyết tật, tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc phân biệt đối xử với nhóm người khuyết tật vẫn còn tồn tại. Những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật cần được xử lý nghiêm để đảm bảo sự công bằng xã hội cho tất cả mọi đối tượng.